Nguyễn Thị Giang

“Chị Giang ơi! Năm châu mờ mịt bụi hồng; một đoàn con chim Việt đang ngại ngùng trong cái buổi gió mưa.

Chị em ta sinh gặp lúc bấy giờ; chém cha quân Tây trắng chúng cố dập vùi các bạn gái Việt Nam.

Chị Giang ơi! Nợ đời chị trả thế là xong, tình non nước nghĩa tình chung chị cũng đền bồi.

Nắm xương thơm chín suối ngậm ngùi, bọn quần thoa ta đó, ai là người nối gót ngàn thu???”

Đó là bài hát “Sa mạc” của một đàon thể cách mạng ở hải ngoại, khóc cô Giang, một nữ Đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, một người dân tận trung với nước, một người vợ tận nghĩa với chồng.

Cô Nguyễn Thị Giang làng Đồng Vệ, Phủ Vĩnh Tường tỉnh Bắn Giang, sinh trưởng trong một gia đình thanh bạch luôn luôn lấy đạo đức luân lý Đông phương làm căn bản lập thân xử thế.

Cô gia nhập tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng thuộc tỉnh bộ Bắc Giang, dưới sự chỉ huy của ông Song Khê.

Từ năm 1929, cô phụ trách giao thông cho tổng bộ với các chi bộ các tỉnh. Vì nhu cầu công tác, luôn luôn phải gặp gỡ và cùng đi với Đảng trưởng Nguyễn Thái Học.

“Lạ chi thanh khí lễ hằng,

Một dây một buộc …”

Sự thương yêu của một đôi đồng chí tài sắc ngang nhau, đâu phải là chuyện đáng cho chúng ta khó hiểu.

Rồi một sáng tốt lành kis, nhân qua Đền Hùng Vương, là miếu điện thờ phụng Đức quốc tổ Việt Nam, hai người đem nhau vào đền thờ làm lễ tuyên thệ, ở đây không phải là:

“Vừng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai miệng, một lời song song …”

Nhưng là:

“Lòng thành dâng một nén nhang,

Nam mô Phật tổ Hồng Bàng chứng minh.”

Trong cái buổi định tình ấy. Cô Giang khải thiết yêu cầu ông Học giao cho một khẩu súng sáu, và hứa, nếu Học chẳng may chết vì nước, thì Giang cũng xin lấy khí giới này mà chết theo chồng.

Từ khi ông Học bị bắt, mỗi khi nhớ tới lời thề sơn hải, thì lòng cô se lại, tinh thần khủng hoảng? Bỗng dưng cười, bỗng dưng khóc, cô trở nên như một người giở tính, làm Đảng tốn rất nhiều công phu bảo vệ và chạy chữa cho cô, để cô có thể ở tại Hà Nội, mà gián tiếp thăm nom chồng.

Một buổi chiều được tin ông Học, cùng các đồng chí bị giải lên Yên Bái, cô cũng đáp xe lửa đi theo, đồng thời mang theo khẩu súng mà ông Học giao cho ngày nọ và một trái bom, với ý định quyết tử xông vào phá pháp trường.

Nhưng bọn lính canh không cho khán giả một ai tới gần, nên cô đã không làm được theo ý định.

Đứng đằng xa, với một nghị lực phi thường, cô đã đem nụ cười mà đáp lại nụ cười của ông Học khi sắp bước lên máy chém. Lẫn lộn trong đám người đứng xem, cô đã không biểu lộ mảy may đau xót khi thấy đầu người đảng trưởng, người chồng duy nhứt của mình lìa khỏi cổ. Chứng kiến cuộc hành quyết xong, cô quay về nhà trọ, tìm chỗ bí mật viết hai bức thư tuyệt mạng/ Hai bức thơ ấy, viết trên 3 trang giấy khổ hẹp, bằng nét bút chì xanh. Rồi ra chợ mua mấy vuông vải trắng làm khăn để tang cho chồng.

Buổi chiều cô đi xe lửa sang Vĩnh Yên. Và sáng hôm sau, cô về địa hạt làng Đồng Vệ, cạnh làng Thổ Tàng, làng ông Học vào thăm cái quán giữa đồng mà đôi vợ chồng son đã có lần ngồi trò chuyện.

Nghĩ đến chồng, đến đảng, đến nước, cái thiên tính muốn sống với cái ý định muốn chết đã giao tranh kịch liệt trong tâm tư, sự giao tranh ấy làm cho cô bơ phờ, mỏi mệt. Nhưng rồi, lý trí quyết định cuối cùng đã chấm dứt tình trạng bơ phờ, mỏi mệt ấy.

Bước ra khỏi cái quán, cô cầm súng, tự dí vào mang tai bên rồi bóp cò, sau một tiếng “đoành”, cô ngã quỵ xuống, súng văng ra một bên.

Sau khi viên tri phủ Vĩnh Tường phi báo, sở Mật thám Hà Nội phái nhân viên giảo nghiệm về tận nơi. Do cái tên ký Nguyễn Thái Học phu nhân nên chúng biết là Cô Giang, người mà bao lâu chúng đã có danh sách truy nã, chúng xuýt xoa tiếc rẻ, cuối cùng chúng đã trả thù cái xác chết một cách đê tiện, bằng cách lột hết quần áo ra khám rồi chúng không hề mặc trả lại. Và còn để thi hài phơi lộ dưới ánh nắng hai, ba ngày cho ruồi nhặng bâu đậu, rồi mới cho phép làng chôn.

Để hiểu tâm trạng Cô Giang đối với chồng như thế nào? CHúng ta hãy đọc lại những bức thư sau đây, những bức thư cô viết trước giờ tử tiết.

Bức thư thứ nhất

Ngày 17 tháng 6 năm 1930,

Kính lạy Thầy mẹ!

Con chết vì một điều kiện tất yếu, mà sức hữu hạn của con người không thể vượt nổi. Không báo thù được cho nhà, rửa nhục cho nước sau khi con đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở Đền Hùng. Giờ đây con trở về quê nhà, mượn phát súng này để kết liễu đời con.

Đứa con bất hiếu kính lạy,

Nguyễn Thị Giang.

Bức thư thứ hai

Anh đã người yêu nước, không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước; Anh giữ lấy hương hồn cao cả để về mà chiêu binh, tuyển tướng ở dưới suối vàng. Các bạn đồng chí của anh còn biết bao kẻ sống sót, vẫn còn tiếp tục theo gương, nối gót anh để hoàn thành sứ mạng cứ dân cứu nước.

Cuối cùng là một bài thơ

Thân không giúp ích cho đời

Thù không trả được cho người tình chung

Dẫu rằng đương độ trẻ trung

Quyết vì non nước một lòng hy sinh,

Con đường cách mạng mông mênh

Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao?

Bây giờ hết kiếp thơ đao

Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây!

Tuy rằng chút phận thơ ngây

Sòng đồng chí đã có ngày ghi tên

Chết đi dạ những buồn phiền

Nhưng vì hoàn cảnh truân chuyên buộc mình!

Quốc kỳ phấp phới trên thành

Tủi thân không được chết vinh dưới cờ

Cực lòng lỡ bước sa cơ

Chết sầu, chết thảm, thật là xót xa,

Thế ru! Đời thế ru mà

Đời mà ai biết, người mà ai hay.

Đọc hết nhưng thi văn trên, chúng ta thấy rõ tâm trạng Cô Giang khi ấy như thế nào? Chết vì nước, chết theo chồng ở trong cái lý trí mê mang, bi hùng lúc bấy giờ, các sự vật đều biến chuyển, nhào lộn, không có gì giới hạn nữa.

Dù vậy, cho tới phút cuối cùng, lòng cô vẫn không quên cái bổn phận làm dân đối với nước; làm con đối với cha mẹ; và cô cũng không quên kỳ vọng ở những đồng chí chết sau sẽ vì những đồng chí chết trước trả thù hộ, cũng như tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam Quốc Dân đảng.

Tinh thần trách nhiệm ấy, là một đặc sắc chung của những con người từng thấm nhuần đạo lý Đông phương đã rèn đúc cho một tinh thần hy sinh, dũng cảm vô bờ bến, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Cảm khái với cái chết của Cô Giang, một cái chết không bao giờ chết. Nhà ái quốc chí sĩ Phan Sào Nam, khi nhận được ai tin đã làm bài văn tế sau đây.

“Than rằng:

Sóng nhân đạo o83 hai mươi thế kỷ, bạn má hồng toan cướp gái làm trai

Gương nữ anh hùng trên một góc trời Nam, bọn da trắng phải ghê giồng giống Việt.

Trên quốc sử mực Chàm giấy phấn, ông cả đoàn nhan nhản bầy nô.

Dưới Long thành màu biếc cỏ xanh, gái đến thể rành rành chữ liệt.

Trăng thu mờ mịt, trông những buồn tanh;

Người ngọc xa vời, nghĩ càng đau tuyệt

Nhớ nữ liệt sĩ xưa;

Đất nhà tinh hoa, trời cao bảng tuyệt

Vóc quần thoa nhưng chí khí tu mi

Thân khuê các mà can trường khí tiết.

Thuở bé nhờ ơn gia giáo, Hán học vừa thông.

Tuổi xanh vào Quốc Học trường, Pháp văn cũng biết

Tang hải gặp xoay cuộc, ngó giang sơn luống những lòng đau.

Trần ai tức tối trong người, thấy nô lệ đương đôi tròng ngút.

Xem sách Pháo từng nghi Lân Đà, La Lan thuở nọ, chị em mình há để ai hơn.

Giở sử nhà bỗng vỗ tay reo, Bà Trưng, Cô Triệu sau này, non nước ấy có đâu hồn chết,

Triều cách mạng đang dâng sùng sục, cát Vệ Tinh ngậm đầy trước miệng, mong thấy bể vùi,

Vai quốc dân nặng gánh trìu trìu, đã oai Hùng dấp sẵn trong tay, nỡ xem trời khuyết.

Tức tối cường quyền,

Thi gan sấm sét.

Khi nhập đảng tuổi vừa đôi tám, cơ nữ binh đảng đội tiền phong;

Lúc tuyên truyền sách động ba quân. lưỡi biện sĩ trổ tài du thuyết.

Thỏi gió phun mây từng mấy trận, nào Lâm Thao, nào Tên Báy nữ tham mưu đưa đẩy đội hùng binh;

Vào sinh ra tử biết bao phen, kia thành huyện, kìa đồn binh, cờ nương rũ xông pha hàm rắn rết.

Nguyễn Thái Học trổ tài kiện tướng nhờ có cô mà lông cánh thêm dài.

Phạm Thị Hào nổi tiếng trung trinh, em cố chị mà xứng danh nữ kiệt.

Khốn ôi thay.

Vận nước còn truân,

Tai trời chữa hết;

Trắc trở buồm xuôi gió ngược, tài anh như gặp nước gian truân.

Ngại ngùng nước biếc non xanh, tay chức nữ uổng công thêu dệt.

Nhưng có còn:

Thiết thạch tâm can,

Chân yoàn bách chiết.

Thời như thế, việc đành phải thế, đoạn đầu đài mừng được thấy anh lên,

Sống là còn mà thác cũng là còn, súng kề cổ không nhường cho giặc giết;

Tiếng súng lúc vang lên một tiếng, núi đổ sông nhào.

Hồn anh thư hẹn phút trùng lai, thần khóc quỷ thét.

Ôi thương ôi;

Khóc nữa mà chi.

Nói không kể xiết;

Một nén hương lòng,

Mấy lời thống thiết;

Bạn nữ lưu ai nối gót theo chân?

Nghĩa đoàn thể, xin từ đây cố kết;

Hỡi ai! Thương thay;”

Năm 1946. tại Liên khu 4, nhà văn Nguyễn Tư Hồng, khi cho ra tập tài liệu “Lịch sử cách mạng Việt Nam” lấy tên là “Nhắc nhớ”. Sau khi viết hết bài Tiểu sử Nguyễn Thị Giang, vì lòng tôn kính ái mộ người và việc, tác giả có làm thơ truy niệm như sau:

Tình chồng, nợ đảng, gánh giang san;

Thác xuống tuyền đài hận chửa tan.

Xương trắng nêu cao gương tiết nghĩa,

Máu hồng in thắm chữ trung can.

Ngàn năm Tổ quốc ơn ghi mãi,

Một thác tình chung nghĩa trả trên

Thành bại mặc ai người nghị luận.

Muôn ngàn năm để tiếng Cô Giang.

error: Content is protected !!