Truyện Mạng Lục – Tích Khoái Châu ngãi phụ

Bài viết đăng trong mục THỨ VỤ, báo Gia Định , trong nhiều kỳ năm 1890


TÍCH KHOÁI CHÂU NGÃI PHỤ

Biên soạn: Trần Đại Học

Nơi phủ Khoái Châu có người tên là Từ Đạt, đi ra làm quan nơi thành Đông Quan (là Đại La thành) sau cải là Thăng Long thành, đổ nơi cầu Đồng Xuân, gần một bên nhà quan Kiểm thơ tên Bằng Lập Ngôn. Họ Bằng giàu có, xa xỉ lại chuộng sự thông thái; còn họ Từ nghèo khó, hà tiện hay giữ lệ. Hai nhà ấy đều khí tượng không giống nhau, song hay lấy nghĩa mà làm bậu bạn với nhau, năng qua lại ăn uống, chơi bời như hình anh em ruột vậy.

Họ Bằng có một đứa con trai tên là Trọng Quì, còn họ Từ được một đứa con gái đặt trên là Nhụy Khanh: hai đứa đều chữ nghĩa văn chương lào thông, lại có nhan sắc đàng khác nữa, tuổi tác cũng bằng nhau. Nhà ở gần, nên khi có đám tiệc chi hai họ đều qua lại với nhau, bởi cớ cho nên hai đứa đều gặp mặt nhau hoài. Sau lại hai họ kết nguyền giao ước châu trần với nhau, cũng đồng ưng vậy. Đến kỳ hẹn gả nàng Nhụy Khanh cho Trọng Quỳ, mới chọn ngày tốt cho nạp sính lễ. Cưới xong xả rồi, Nhụy Khanh về nhà chồng, lo lắng hết sức cho đẹp lòng mẹ chồng. Tuy là còn nhỏ tuổi mà con nhà có ăn học, nên thường lấy điều nhơn hòa trong dòng họ, lấy thuận thảo theo lòng chồng. Ai nấy đều khen họ Bằng có phước cưới được nàng dâu hiền nội trợ. Tên Trọng Quì từ ngày cưới vợ về cũng quen theo tánh cũ, ham chơi bời, theo chúng bạn. Vợ thấy chồng vậy thường hay răn cang hoài, mà chồng không nghe. Song bởi lời vợ nói có khuôn phép, nên anh chồng cũng lấy làm trọng người vợ, tuy là không nghe lời mặc dầu, chớ không cãi chối, rầy rà chi. Trọng Quì tuổi vừa hai mươi, nhờ đủ ấm của cha mình, nên đặng thức quan nơi phủ Kiến Hưng. Nhơn lúc tại tỉnh Nghệ An, trộm cướp nỏi dậy khuấy phá thiên hạ. Triều đình ra chiếu đặng kiếm một ông quan cho Lương thú đặng sai ra đó mà cai trị.

Nhơn trong trào có người ghen ghét Bằng Lập Ngôn, nên tâu vua xin sai ông già ấy cho ra làm quan chắc sẽ trị quân hung đồ ấy được, có ý oán Bằng Lập Ngôn ra đặng cho giặc giết đi.

Trước khi vâng mạng vua đi ra trấn Nghệ An. Bằng Lập kêu nàng Nhụy Khanh là dâu mình đến trước mặt mà bảo rằng: Nay vua sai cha ra chốn Nghệ An, đường sá hiểm hóc, không lẽ đem đờn bà theo làm chi, e khó lòng chăng? Vậy con ở lại nhà với cha mẹ con, chừng cha ra dẹp yên rồi, sẽ cho người trở về đem con ra cho vợ chồng gặp nhau. Nay cha tính đi, con ở lại …

Trọng Quì thấy cha mình nói vậy, lấy làm buồn bực, vì vợ chồng mới cưới, ở cùng nhau chẳng đặng bao lâu mà phải phân cách. Song chẳng dám cãi lịnh cha.

Nàng Nhụy Khanh thấy chồng bịn rịn, liền lấy lời ngon ngọt, dịu dàng mà can chồng; nay cha bởi có lòng ngay thẳng, nên bị lời dèm xiểm. Đình thần tuy nói ngoài miệng có ý sai cha ra chỗ tốt, chớ trong lòng đổi ý khác, muốn cô vô chỗ hiểm đặng bỏ mình.

Nay đường sá xa xuôi, muôn dặm cách trở non sông, không lẽ để cha mẹ đi một mình đến xứ mọi rợ, không ai nâng đỡ.

Xin anh ráng theo cha mẹ, đừng lo phận em ở nhà, đã biết việc phận em là đờn bà, dầu cho có mình gầy khô héo, sắc diện phai, cũng một lòng thờ chồng. Anh chớ lấy niềm vợ chồng mà bịn rịn, nơi quê thác (vợ chồng) không bằng chốn đình vi (cha mẹ) đây?

Trọng Quì nghe vợ can mấy lời lấy làm phải, tức thì dạy dọn tiệc ra ăn uống chơi đặng từ giã vợ. Tiệc xong rồi, cha con Trọng Quì dỡ nhà về phía nam, để Nhụy Khanh ở lại với cha mẹ. Hay đâu đi biết lòng trời tính làm sao? Vừa ít lâu cha mẹ nàng Nhụy Khanh mang bịnh mà chết hết.

Nhụy Khanh một mình lo tống táng, đem dời về đất Khoái Châu. Lễ tế xong xả rồi, về ở ngụ nơi nhà bà cô là họ Lưu.

Nhơn ở đồng làng có quan tướng quân kia, họ Bạch là cháu ngoại họ Lưu, thấy nàng Nhụy Khanh có nhan sắc phải lòng muốn cưới làm vợ. Dùng kế đam của nhà không biết bao nhiêu cho họ Lưu cậy nói làm sao cưới cho đặng nàng Nhụy Khanh làm vợ.

Họ Lưu hứa lời chịu nói cho.

Nhằm lúc vắng vẻ, bà cô mới kêu nàng Nhụy Khanh lại gần một bên mà nói rằng: Vả nước nhà trong đục dường nào? Đó là phận đờn ông, chớ phận cháu là đờn bà, hãy lo cuộc ăn chơi, lo làm chi cho mệt dạ. Chồng cháu nó đi theo cha nó là Bằng Lập ra làm quan, cách biệt hơn sáu năm nay, tin tức chi cũng không tỏ, thác còn cũng không biết đặng; nỡ để âm sầu mà chịu vậy, chi bằng lẻ bạn tìm đôi, kiếm nơi lành mà kết duyên mới; vậy mới thỏa tình con gái, cháu hãy nghe theo lời cô, chớ có ưu phiền làm chi.

Nhụy Khanh nghe nói lấy làm sợ hãi; bỏ ăn uống nằm hơn một tháng. Bà cô dò ý rõ biết bụng nó không đành; vì bởi ăn của lễ nhiều, nên tính ép bụng cháu cho đẹp lòng họ Bạch, mới hẹn ngày cho cưới cùng đưa dâu.

Ngày kia nàng Khanh kêu đứa đầy tớ già ở với mình bấy lâu mà nói với nó rằng:

 – Mầy là đứa ở với ta bấy lâu, công ta nuôi nấng nhà ngươi. Nay nhơn có việc, ta cậy ngươi giúp cho ta một việc nầy.

Tên đầy tớ đáp lại rằng:

 – Tôi phận tôi là tớ, xin cô sai khiến việc chi tôi cũng xin vâng theo …

 – Nhà ngươi hãy biết, nay ta bởi còn nghĩ bụng Bằng lang còn sống, nên ta còn nương náu ở đây mà chờ đợi; chớ như ngày nào ta rõ Bằng lang có bề nào, ta nguyện chết theo mà chớ! Chẳng thà cực khổ với chồng ta, cho vinh hiển, giàu sang với người khác, thà ta nguyện chết cho xong. Nên cậy ngươi ráng chịu khó đi đến xứ Nghệ An mà hỏi thăm cho rõ tin tức coi chồng ta còn hay mất? Vả xứ Nghệ An đường đi ước một tháng, xin ngươi chịu phiền.

Tên Thương Đầu vâng lời ra đi, bởi đường sá cách trở, gập ghình, đi gần hai tháng mới đến nơi. Hỏi thăm người ta? Có người nói ngươi Bằng Lập Ngôn đã chết hơn mấy năm rồi; còn người con thấy đi thơ thẩn không có nghề chi làm ăn, nhà cửa cũng bần hàn lắm. Tên đầy tớ nghe nói làm vậy thì lấy làm rầu rĩ, bỏ ghe dưới sông, lên bờ đi dọc theo mé mà hỏi thăm nhà. May đâu đến chợ gặp người Trọng Quì đi bơ vơ đó; ngó thấy tên Thương Đầu bụng mầng rỡ, nắm tay đem về nhà.

Nhơn nhà nghèo không có chi, có một cái chỏng nhỏ, một bàn cờ tướng để giữa nhà, một bộ chén uống rượu, lại có nuôi ít con gà, một con chó, còn bao nhiêu thì ra trống trải, rách nát.

Tên đầy tớ thấy nhà cửa vậy thì buồn mà than thở một hồi.

Trọng Quì cũng lấy làm xổ hổ, mới kêu tên đầy tớ mà nói với nó:

 – Bởi tiên nhơn ta không có phước, nên phải mất sớm, bỏ ta một mình bơ vơ đà hơn bốn năm nay. Song vì đường sá xa xuôi, cách hiểm muốn trở về mà không có thể về đặng, tuy ta ở quê người, song mỗi đêm đều nằm chiêm bao mà tưởng vợ ta hoài.

Than rồi xong xả, liền tính với tên đầy tớ đặng định ngày trở về, khi về đến nhà vợ chồng gặp nhau mầng rỡ và than khóc!

Đến tối lại người chồng nằm bên vợ có lời ngâm như vầy:

Ức tích bình sanh nhựt,

Tằng hài khế hiệp nhản:

Cảm quân tình thái hậu;

Tiếu ngã mang chung truân.

Biệt mị phân huế tãi;

Trường đình khuyến ẩm tằng.

Y y sầu lảnh kiến;

Nhiễn nhiễn cách phong trần.

Cọng ước nhơn thiên lý;

Tương vọng nguyệt bán luân.

Thâm tâm nhàn lục tãi;

Linh tợ trương song thân.

Phách xụy hoành sơn hiễu;

Hành ca điễn thủy tân.

Đăng lầu Vương-thoáng lụy;

Sách cũ Đổ-lăng cân.

Trước thạch nang y tục;

Cẩm tôn bất liệu bần.

Tha hương lao ký mục;

Cố quấc trọng thương thần.

Phong lảng phi ngố sự;

Yêm lưu bịnh thứ thân.

Ninh tri bồng đáo khách;

Diêu đạc cẩm gian lâu.

Thể thạch trùng đi trạo,

Huỳnh cô lưỡng vấn tân.

Kỷ niên vu hiệp mộng;

Nhứt đáng vỏ lạng xuân.

Hồ điệp giao tình cựu;

Oan ương biên thải tần.

Khinh hườn Đương Quách-quất!

Mị mạng Tống Đông-lân!

Lục ám anh thinh sáp;

Hồng hy yến tử sầu.

Áp du kim Đổ-mục,

Kỳ ngộ cổ Lưu-thần.

Ngâm vịnh lưu tùy hứng;

Phong lưu khẩn nhượng nhân.

Hội ưng truyền thắng sự,

Mạng bút ký châu tần.

Dịch ra chữ nôm:

Nhớ xưa ngày bình sanh!

Tùng đẹp dươn giao kết:

Cám lòng nàng quá hậu;

Cười mạng ta khó khăn.

Phân bâu áo sớm chia tay;

Chốn trường đình nàng khuyên rượu.

Dầu dầu sàu chất sánh non cao;

Rối rối mình dày nơi gió bụi.

Cùng hẹn người ngàn dạm;

Đều trông trăng nửa vừng.

Lần lựa đà sáu năm;

Quạnh quẻ nhớ hai thân.

Rõ núi hoành sơn nằm thêm sợ;

Chốn song giếng thủy một mình ca.

Lên lầu sa nước mắt ấy ngươi Vương-tháng;

Tâm câu lụy thảm khăn là ngươi Đổ-lăng.

Tre đá nào cải tục;

Đòn ve chẳng hết nghèo.

Ở quê khác nhọc gởi con mắt trông;

Nhớ nước cũ nhiều lo tinh thần mỏi.

Buông tuồng chẳng phải tại ta;

Chầy lâu đau bổn phận mình.

Sao biết khách tiên ở non bồng;

Xa trông tin cá sông cẩm giang.

Gành thể thạch hai phe dời trạp (chèo);

Sao huỳnh cô đổi lần hỏi bến.

Mấy năm chiêm bao chơi núi vu hiệp;

Một mai xuân đến chốn vỏ lăng.

Cái hồ điệp giao tình cũ;

Chim oan ương vầy nết mới.

Dịu dàng bấy đời Đường nàng Quách-quất;

Xinh tốt thay nhà Tống ngươi Đông-lân.

Màu lục lòa ra tiếng chim anh thốt;

Màu hồng phải lòng con chim én hờn.

Quen chơi ngươi Đổ-mục đời nay;

Lạ gặp ngươi Lưu thần thuở xưa.

Ngâm vịnh vả theo ý hứng;

Phong lưu dễ khấng nhường người.

Hội nầy hạp truyền việc tốt!!

Khiến biên chép việc châu tần.”

Hai vợ chồng lâu ngày xa cách nhau, nên khi hiệp lại thì lấy làm vui vẻ, thỏa tình cá nước, ăn ở một cách hòa nhã cùng nhau.

Nguyên Trọng Quì thuở còn nhỏ tánh hay luôn tuồng, ham chơi, hoan đàng cầu vui theo chúng bạn. Lớn lên cũng không cải tánh được, buôn theo ý cũ, lại làm quen lớn với tên lái buôn kia tên là Đỗ-tam, là người giàu có, ăn chơi hay xảo quyệt lắm.

(Còn tiếp)

error: Content is protected !!