Minh Tân tiểu thuyết 1910 – 02 – Tịch thư gia luận

Vài lời từ người đánh máy

Minh Tân Tiểu thuyết là tập hợp những bài viết kêu gọi mọi người cùng nhau cải cách lối sống theo văn minh mà từ bỏ hủ tục; đồng thời khuyến khích mọi người cùng làm kinh tế để thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ, vất vả.  Tuyển tập được đăng năm 1910 trên tờ Nông Cổ Mín đàm của nhiều tác giả. 

Những năm chữ quốc ngữ còn sơ khai, cách dùng từ – hành văn không giống như hiện đại. Đây là cơ hội để chúng ta hiểu thêm về hành trình phát triển chữ quốc ngữ Việt Nam trong hơn trăm năm qua.

Tôi mạn phép sửa vài lỗi chính tả (dấu hỏi – ngã, chữ cuối c – t); giữ nguyên cách dùng từ – hành văn.


Tịch thư gia luận

Xưa nay những điều tà thuyết thì chẳng đủ tin. Thường trong tam giáo cữu lưu, mỗi đạo nghệ làm ăn cũng có cái hư cái thiệt như là: nho y, nếu ai có công ăn học chính chắn đặng thì hay và cũng ít lầm, có chỗ mà giúp người nên được; còn lý bốc, tướng mạng cũng không đủ lẽ tin, chí ư vu ni tăng đạo là chước đổi thế kiếm cách gạt chúng mà lấy tiền, nói rằng đạo Thích Ca lão Tử di truyền, thần thông quảng đại, hô phong hoán võ, tróc tướng sai binh thì có biết sao là thiệt.

Nhứt thiết đờn bà trong thế gian thường hay mê hoặc, lời nói của họ mà dục lòng, chồng con phải nghe theo làm theo chớ chi mình người đờn ông có ai ưa chịu.

Thầy chùa gọi: tụng kinh cho đặng siêu thăng tịnh độ với cửu huyền thất tổ khỏi đọa trầm luân tiếp dẫn vong hồn trực vãng Tây phương lánh miền Địa ngục.

Thầy pháp gọi: họa phù tróc quỉ năng tiêu bá bịnh, tiện diệt là ma con ai đẻ ra nuôi không được thì bán cho họ cải danh diệt tánh trấn tướng tại gia mà gìn giữ đức con trẻ ấy cho khỏi mắc nam thương yếu tử.

Bà bóng gọi: ông lên bà xuống năng tri quá khứ vị la6i.

Bà vãi gọi: xá thân cầu đạo bất đạo ư tam ác, ăn chay cho được trì kỷ chí, cho khỏi bị tam bành lục tặc vong khởi và cho khỏi sa vào đường họa hại.

Ấy là lời nói huyễn đó thôi.

Phàm con người ở đời hoạch tội ư thiên vô sở đảo: có lẽ đâu bình sanh một đời người làm ác mà lại cậy tay họ cứu chữa được bao giờ. Nếu như được vậy thì trước hết họ lo mà cứu giúp trong thân tộc của họ đã, nếu có dư công rồi sẽ làm giùm cho kẻ khác, chớ có ai mà dại đem thân tu luyện niệm Phật trí trai cho khổ chí rồi mà không lo bổn phận, lại để lấy lòng tốt mà giúp thế gian, ấy có phải là điều hoặc thế đấy chăng?

Luận cho chí lý: thầy chùa lá hát bội của Phật thầy pháp và bóng là hát bội của các đấng tôn thần khỏi tốn giáp mão cờ giáo ăn tiền vô lượng mà lại có kẻ lạy người dạ, xem ra thiên hạ ưa chịu chẳng biết bởi cớ nào?

Chớ chi mà họ làm được như vầy: ai mắc nợ Chetty (Xã-tri) rước thầy chùa tới cầu kinh cho tiêu giấy nô, rước thầy pháp tới sai tướng ăn cắp cái giấy dì, rước bà bóng tới mời bà Thủy bà Hỏa lên nói với nó mà xin đứt cái giấy nợ lại cho khỏi bị thưa kiện biến mãi thi hành; ấy là điều có ích. Dẫu tổn bao nhiêu lạy bao nhiêu cũng đã ưng bụng. Còn việc nào mà mình tưởng là không có thì thiệt không có y như trí tưởng chẳng sai há đi phải nghe lời làm chi cho tốn của.

Có câu rằng: Kỉnh quỉ thần nhi viện chi khả vị tri hí. Quỉ thần kỉnh chớ chẳng khả tin, kỉnh mà xa đó mới gọi rằng có trí vậy.


Nghe rằng:

Học nho trước để mà tề gia trị quấc khắc kỷ phục lễ chánh tâm tu thân; sau dạy con dạy cháu cho chánh thống cang thường, hóa dân mỹ tục, mở trí khôn cho con người thông hiểu cách vật trí tri.

Học thuốc, trước để mà cứu dân độ thế; sau giúp trong thân tộc họ hàng mấy cơn bịnh hoạn, biết mà dùng khỏi bị mấy cậu đung y sát hại.

Học địa lý, trước để mà khâm chưởng tư thiên hành binh bố trận; sau cho biết chỗ lợi hại. Mà thụ trụ thượng lương, tụ phương kiết cuộc.

Học bói, trước để mà đề phòng quốc gia động tịnh; sau cho biết trong gia đạo kiết hung.

Ấy là sở học của con nhà Annam xưa nay noi theo sách vở của người Trung Quấc di truyền, nếu ai gia công ăn học mỗi việc tinh thông để mà dùng trị gia, trị quấc. Còn người nào ăn học lôi thôi, đã vô ích cho bổn phận mình mà lại thêm tổng đức. Như là: học nho láp váp, học thuốc lam nham, địa lý bá xàm, bói khoa vơ vất, hại chúng thì có, chớ vô ích với đời.

Phần nhiều hơn hết trong thiên hạ đời nầy chủ về việc dị đoan thát trọng, cho nên mới mắc kẻ phỉnh người phờ.

Đây nầy là điều trước mắt mọi người đều thấy chẳng phải nói vu. Thường có ai đua ốm rước năm ba ông thầy thuốc đến chẩn mạch đều khác bịnh nhau. Theo trong mạch lạc thì có bấy nhiêu chứng: Phong hàn thữ thấp, táo hỏa, hư, thiệt, hàn nhiệt tà, chánh, hàng khả ôn, nhi thiệt khá lương, hư tắc bổ nhi thiệt tắc tả; mà mỗi ông đều nhận một chứng theo ý riêng mình, hốt thuốc trao cho chủ uống, may thì sống, chẳng may thì chết, chẳng chết cũng ngất ngư, như có bề nào đổ thừa số mạng; lại còn thuốc vị sâu vị mọt, lớp mới lớp lâu, uống chẳng thấm vào đâu bịnh càng tăng bịnh. Ấy có phải là tại sở học đã dở mà lại gia vị dối vào cho người lầm hại.

Hãy coi lực người Langsa ăn học. Phàm muốn ra làm cho được một ông thầy thuốc thì công cán rất dày. Phãi học văn cho đúng bực Tú tài rồi vào trường học thuốc ba năm thi đỗ mới được làm thầy, vậy mà còn e chưa tin, phải có một anh khác học bào chế thuốc men, anh nầy cũng phải học văn cho đúng bực Tú tài rồi vào trường học chế thuốc, sáu năm mới được ra mà bán thuốc.

Hai anh đó học thành thân rồi, một anh thì làm thầy còn một anh thì bán thuốc, hễ thầy thuốc ra toa làm sao thì thuốc bán y như vậy, một mảy không sai, vậy mới gọi rằng: Cứu dân độ thế.

Chớ chi mà người nước ta ăn học cho kỷ, trong mười phần của người Langsa cầu được ba phần cũng đà dễ dụng: chớ làm sao mà có thầy biên toa không trúng chữ, có thầy hốt thuốc thiếu vị, rồi kiếm vị khác giống giống vậy mà điền thì uống làm sao cho chắc; một phải chịu thiệt hại, hai phải bỏ mình, có nói ra thì sự vô tình, làm thinh vậy thiệt là thậm ức.

Lại còn phép địa lý, thầy nào cũng xưng tài giỏi, tầm long điểm huyệt, tọa hưởng phân kim. Thường nhà giàu có cất nhà là một, có ai chết là hai, di hài cốt là ba, trước hết rước thầy địa lý tới bốc kỳ trạch triệu “chọn đất coi ngày” cho đặng phát công hầu vương tướng, cùng là phú hậu miên trường, tốn năm bảy chục một trăm, (có chỗ tới bạn ngàn) lòng không nao động, có kẻ muốn cất nhà chờ cho được năm tháng ngày giờ, rủi chết nửa chừng không nhà mà ở, có người chôn xác đợi tìm cho được cuộc thì trễ nãi đôi năm có kẻ chết để cái thây nằm đó, sinh nhẩy đợi tới giờ sẽ liệm, hôi thúi quá chừng; có chỗ lại dùng rước xây bếp, xây phòng, cầu tiêu, sàn nước; xét ra là điều tệ ngăn trở trong mỗi việc làm, có ích chi cho con người mà mong toan việc ấy.

Tư cổ cập kim trong 6 tỉnh ta đây có ai nhờ phép địa lý mà nên danh phận gì đâu, nếu như có lẽ tin và có phép nhiệm mầu tưởng có khi sự làm quan làm giàu không đủ cho thầy địa lý họ làm cho bà con dòng họ của họ, có đâu để  dành cuộc mà chỉ cho mình, có kẻ chôn rồi nghèo mạt, có người cất nhà rồi bán, hỏi vì cớ làm sao, họ nói tại chủ ăn ở bất nhơn cho nên cuộc rồng hóa rắn.

Bởi vậy cho nên người đời trước có làm thơ mà chê rằng:

Phong thủy nhơn gian hoán tiếc không.

Chỉ nam, chỉ bắc, chỉ tây đông.

Thế gian quả hữu vương hầu địa,

Hà bất tiên mưu táng nãi ông.

Thích nôm:

Thầy địa lý nói láo quen,

Chỉ nam, chỉ bắc, chỉ tây thiên.

Thế gian quả có đất vua chúa,

Sao chẳng sớm chôn lấy tổ tiên.

Dòm sơ học của các thầy địa lý mỗi việc của họ mở ra đều nói láo quá, xét lại đó mà coi, nội trong xứ họ ở hỏi thử coi đường sông rạch, nẻo lộ trình, cuộc giồng giăng án không hiểu không thuộc cho hết mà nói dưới đất có Thanh Long, Bạch Hổ, Châu Tước, Huyền Võ, Câu Trận, Đảng Xà, thiệt là quái gở.


Cách người phương tây ăn học có phải vậy đâu, miễn là cho thuộc địa dư theo đường thủy lục, nước nầy sang nước khác biết nẻo mà đi, không lầm không vấp, đo sông đo biển mở ruộng mở rừng, chỉ nẻo lợi cho thiên hạ được nhờ mà lại đặng mở mang trong nước.

Lại còn phép bói và coi tướng, những người có chí tham thì hãy muốn hỏi việc vị lai, (xảy đến) được coi thầy có nói điều chi thiệt hại cho được giữ mình, vậy thì cái khám đường của nhà nước lập ra chẳng là hết người tù rạc; vậy thì người giàu không trở nên nghèo, kẻ khó kiếm tiền dễ đặng, có mấy thuở đâu.

Còn như thầy coi nói vị tình năm năm hay là ba năm nữa phát quang, làm giàu thì cũng phải làm mới có mà ăn chớ có lẽ nghe theo lời ngồi khoanh tay mà chờ vận, vậy thì sự coi bói ấy cũng chẳng cần gì muốn biết trước làm chi. Có nhiều anh thầy đui mù bóng quáng rờ chỉ tay mà nói việc nên hư của kẻ khác thì sao đủ lẽ tin, quả nhiên hai con mắt mở trao tráo coi mà nói hỏi còn chưa trúng, huống lựa là người quáng nhãn.

Trong đời nay dị đoan thứ nhứt bị thầy chùa, thầy pháp lại với bóng chàng, kẻ ở thế gian sa mê biết mấy. Ai ai cũng là tai nghe mắt thấy, mà bởi còn không phân biệt được, cứ nghe lời phỉnh lời phờ, để cho người ta lường gạt đặng, nếu chẳng tin hãy xem lời giải dưới nầy:

Phật vốn người Thiên Trước, thần thánh là kẻ ở nước Tàu, cách thánh cùng thiên thần thì ở Du-dêu mình có khấn vái làm sao cũng không nghe đặng. Thường thấy thầy chùa đầu tròn áo vuông ai cũng ngỡ là người tu hành không lòng xảo quyệt, nghĩ ra cho thiết, dối thế vô song. Những kẻ bất thông hay lầm chước quỉ, xem trụ trì các tự, thì hiểu đặng sở hành, một đời không thấy độ sanh, cả kiếp cứ theo độ tử.

Chẳng hạn là ai, hễ trong nhà có kẻ chết thì mau mau tước thầy chùa đến tụng kinh cho được tiếp dẫn linh hồn về miền cực lạc, vậy thì cả hộ thầy chùa bấy lâu mỗi người chết có khi thành Phật được hết chớ chẳng không, có mấy thuở! Ấy là một chước khéo khôn của họ lập thế mà nuôi miệng cho đủ đời, nếu như con người dục bớt lòng tham thì họ có lấy chi mà đắp đổi. Thường mỗi đám tuần tự của kẻ dư ăn, rước mười lăm, hai mươi ông sãi đến thiết lập trai đàn, tam thiên chẩn tế, thủy lục minh dương, trong tiệc ấy lại bày ra những là: Tịnh trù, cấp thủy, châu phê, phát lâu, khai phong, phóng xa, trình thập cúng, giải toan đàn, thuyết pháp trai tăng vân vân, trong mấy đàng ấy vẫn là một cuộc giả, song chưa lấy chi làm lạ, duy có hai đàng thiệt rất lạ kỳ.

1- Kêu là Đàn trai tăng, ngồi với nhau một bàn chín mười ông thầy, ăn anh nào anh nấy ăn no nóc, chủ ở dưới lạy lên, họ ở trên làm thinh ăn mãi, gọi rằng: lạy nhiều ăn nhiều chừng nào thì được phước chừng nấy, ý gì vậy? Nghe chi vậy? Làm theo chi vậy?

Con người ở đời, hễ là làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ, nhãn tiền chi sự, ai làm quấy nấy lo, đem bạc trám miệng quan bởi còn chuộc chưa khỏi tội, huống lựa một bát cơm lo lót mà thấm tháp vào đâu, thảng mảng nghe lời họ nói: họ đó là thế vị cho Phật, cũng như có Phật hiện tại mà chứng chiếu cho chủ vậy, cho được chạy cơm chạy tiền cho họ ăn cho phỉ chí mà thôi, chung cuộc cái thây của ông bà còn nằm dưới đất thúi hoắc.

2- Kêu là khai phương phóng xá, trong các vị Phật riêng có một mình ông xá biết nói tiếng Chệt, mỗi khi muốn tâu đối việc gì với thiên đình thì dắt ổng ra cho ăn uống rồi hối lộ tiền bạc một ít hơi, sai ổng chấp sớ về tâu cho chủ nhờ thần phước. Nghĩ lại ông cũng không phải tay sai, đem ra cho uống sơ sải, rồi nói điều đặng điều mất biểu ổng đi, lắm cảnh người đương gian là mình đây có dễ sai cho mấy đi nữa mà làm làm vậy cũng chẳng chịu thay, huống chi là ổng, mà lại chắc là thầy chùa nhận diện, chớ có biết ông xá là người Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu gì mà họ phòng nói với ổng, nếu như nói sái ổng biết gì nghe; ấn theo luật trào đình, tấu dối bất minh giả trảm, có khi ổng sợ phạm phép mà không dám tấu.

Trong đạo thầy tu có một điều tức cười quá đỗi không biết bởi ý gì trong mấy đám chay họ xách tượng Phật đến, treo tứ tung ngũ hoành rồi năm mười ông thầy kẻ cầm chuông người xách đẫu, đi chung quanh tượng Phật cứ kiêu ngạo các ổng hoài, làm sao mà gọi rằng kiêu ngạo? Họ nói: Nam mô Di Đà Phật, Nam mô Thích Ca Phật, Nam mô Quan Âm Phật, Nam mô vân vân …

Nghĩa là: ‘Chữ nam là nước Annam, chữ vô là không có, Đi Đà Phật là Phật Di Đà, đọc xuôi nước nam tôi không có Phật Di Đà. Nước Nam tôi không có Phật Thích Ca, nước nam tôi không có Phật Quan Âm, nước Nam tôi không có vân vân … có phải là bày điều mà kiêu ngạo Phật hay không?

Ví như tên Mít hay là có người nào lạ mặt đến nhà mình chơi rồi mình cứ đi chung quanh người ấy mà nói rằng: nhà tôi không có tên Mít a, nhà tôi không có tên Mít a, tôi không biết chú là ai a, tôi không biết chú là ai a, nói như vậy chừng đôi ba chục tiếng coi thử họ có mắc cỡ đi ra khỏi nhà hay không, huống chi thầy chùa họ nói đôi ba ngàn tiếng mà Phật ngài lại không biết giận hay sao?”

Tệ cho con nhà Annam làm đổ mồ hôi xót con mắt mới có đồng tiền, mà xem ra thiệt trời rộng với thầy chùa biết mấy. Thường có nhiều anh giả mạo, hoặc thiệt cũng có, ở xứ nào không biết, đến quyên tiền bạc, kiếm chước nói chùa hư miễu nát nhờ thí chủ đàng –na kẻ ít người nhiều được đem về sùng tu bổ trợ.

Cơ khổ thì thôi! Có anh họ quyến được tiền đem sang qua xứ khác, mặc áo dài đi giày thời xương, bịch khăn đen, xách lon ton, xài đĩ thỏa chơi cờ bạc, hút á phiện, uống rượu trà, dẫu thiên hạ có hay mà nói chuyện lại thì kẻ cúng bạc ấy lại nói rằng: không hề gì, nếu thầy chùa nó làm quấy thì để cho Phật hành, mình cúng rồi thì được phước không cần gì phải nói làm chi, hay là không làm thiệt cũng khá khen cho lòng người đại độ.

Con người ở đời cần kiệm trị gia chi bổn, nếu muốn xuất đồng tiền ra mà lắm việc gì thì phải suy đi xét lại coi thử việc ấy có đáng tốn cùng không chớ cứ tham phước đức vậy hoài thì mắc tay lường gạt; thà bị một sòng me lận mà thua không tức cho bằng kẻ thường nhơn gạt lớp mà lấy tiền, thà để tiền mà cứu giúp kẻ khó, tư trợ bạn nghèo, vớt kẻ thất cơ, tế người cấp nạn chẳng là hay hơn.

Hồi còn thầy pháp và bóng xảo trá cũng chẳng khác thầy chùa, binh thì dùng binh lào binh mọi, tướng thì dùng những tướng Đô-vông, chư thánh chư thần ở khắp bầu trời đều là anh chị. Thường có ai đau ốm là một, dẻ con nuôi chẳng đặng là hai, nghĩ rằng: Tại quỉ mị hành văn, bị quan sát hãm hại, trước họ đến bện hình ếm quái, đọc chú đệ phù, hò hét vang rân, réo kêu khắp nẻo, bứt đầu bứt óc dậm cẳng dậm chơn, xẻ thịt banh da, nạt nộ om sòm, làm cho bịnh nằm không yên, chòm xóm ngủ không đặng, thiệt là dị sự.

Phàm con người ở đời đói ăn rau, đau uống thuốc là lời ngạn ngữ xưa nay. Con người ở trong bụng mẹ sanh ra làm sao cho khỏi thọ phong sương nhiều ít, có kẻ nhỏ không bịnh thì lớn cũng phải đau, hễ đau thì phải mạnh, chẳng mạnh thời chết, vốn cũng điều thường, dẫu cho thầy pháp có cao tay ấn cách nào đi nữa mà làm làm vậy cũng rước chẳng đặng ốm đau của chủ. Ví như một đám lửa kia đang cháy, thiên hạ chạy đến kẻ gàu người thục, kẻ xách nước, người tưới than; còn một vài anh đi tay không đến đó đứng đấm ngực dậm chưn hò hét om sòm, rồi lửa nó có tắt theo mấy anh đó hay là mấy người áp vô tưới nước mà nó tắt.

Thường có nhiều người phụ nghĩa đau ốm gần chết uống thuốc đôi ba thang, ban đầu dược bịnh tượng công chưa dực giảm được mấy, bèn chê thầy thuốc dở, để chạy thầy pháp chuyên chữa, “phải làm làm vậy thì đừng uống thuốc nữa đi” một ít ngày bịnh nhẹ nói nhờ thầy pháp cúng quảy mà khá, chớ thuốc uống hay gì. Nghĩ ra con người lưỡi không xương nói thế nào cũng đặng, thuốc uống vào thì thấm, tiếng van vái nhập vào đâu, hễ căn bịnh đau lâu thì càng ngày thêm giảm.

Tóm lại trong các mối dị đoan, con người mà ưa chịu thì duy có một cách tham sanh húy tử, tham phú phụ bần. Thường lệ đầu năm mỗi người đều tăng lên một tuổi, và lại tiền của thâu góp coi lại lời cũng nhiều, một sợ chết, hai sợ nghèo mới rước thầy chùa đến tụng cầu an cho bình an trong gia đạo, làm vậy chớ cũng còn e chưa chắc, rước thầy pháp tống quái cho khỏi bị quỉ mị tìm đàng mà khuấy rối trong gia đạo, làm vậy cũng còn e chưa chắc, rước bóng tới hành căn đổi số được khỏi ốm đau làm vậy chứ cũng còn e chưa chắc: mua một hai chục lốt người, thế cho Hành binh, hành khiến có dùng thì sẵn tay sai khỏi bắt đến mình, làm vậy chớ cũng còn e chưa chắc, có một điều quá chắc mà ót kẻ dám làm, rước thợ mộc đóng hòm để dành chết mà chôn mới là thiệt chắc.

Gồm lại các đạo tam giáo cửu lưu, mỗi đạo đều tùng đạo nho mà ra hết cả. Bởi vì đời ta nay ít ai ăn học thành thân và cũng ít kẻ chuyện rèn một đạo, miễn là thấy sách vở chỉ cách thức biểu làm, ai coi cũng làm đặng, bởi vậy việc làm ấy không tinh cho nên không đáng nghe theo làm theo lời hoặc.


Hãy xem phong tục bên phương Tây (Europe) có nước nào dùng địa lý, bói khoa, coi ngày giờ; tống ôn, tống quái, chi đâu mà người ta cũng lập nên nghiệp cả hơn nước mình, có phải là người mình xưa nay tập tục với người tàu quen ý đi rồi không ai chịu bỏ. Coi đó người Trung Quốc bấy lâu dầm thấm say mê theo việc dị đoan, lúc nầy mở mắt ra xem chư quốc giựt mình mới hay là mê hoặc, trong nước truyền giảm lần với nhau, bây giờ cũng đã gần tuyệt.

Vậy thì người Annam ta hãy coi đó mà bắt chước, chớ để bấu lo việc vô ích ấy hoài càng ngày càng nhu nhược, chẳng mở mang trí hóa được cho bằng người ta, rất nên vô dụng. Bấy lâu chưa thấy cử lầm lũi làm theo phong tục cũ thì chẳng nói làm chi, chớ lúc nầy đã hay biết đặng rồi cũng nên ăn năn mà bỏ phức đi cho rảnh, ấy là điều tri quá tất cải nếu mà quá nhi bất cải thị vị quá hỉ.

Trước Nguyên X-X.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!