Chữ quốc ngữ thế kỷ 17 của A.de Rhodes
Trong quá trình tìm tư liệu, tôi đọc được Số báo Xuân Nhâm Thân của tờ báo tuần Phụ Nữ Tân Văn phát hành ngày 23-02-1932.
Trong đó có bài viết về Chữ Quốc Ngữ hơn 300 năm trước, kèm theo là hình một phần Chương sách của ông A. de Rhodes – Người có đóng góp rất lớn trong lịch sử hình thành Chữ Quốc ngữ.
Nội dung bài viết như sau:
Độc giả thử ngó kỹ tấm hình chương sách của ông A.de Rhodes mà tôi in lên đó, có phải là chữ quốc ngữ hồi thế kỷ 17, khác xa với chữ ta viết ngày nay không? Chẳng phải là khác ít, mà khác từ vần từ dấu, khiến cho ta giở cuốn sách quốc ngữ xưa ra, đọc không xuôi được. Trải 300 năm trời, chắc hẳn người nọ sửa xang, người kia thêm bớt, thời gian đã lắm, công phu cũng nhiều, mới thành ra chữ quốc ngữ: học, viết, in sách, in báo bây giờ.
Đây là hình bìa quyển sách Phép giảng tám ngày được in 1652. Hiện nay, nơi lưu giữ cuốn sách này là Nhà thờ Mằng Lăng, thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Từ điển Việt Bồ La phát hành 1651
Từ điển Việt – Bồ – La (tiếng Latinh: Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) là một cuốn từ điển bằng ba ngôn ngữ: La Tinh – Bồ Đào Nha – Việt do tu sĩ Công giáo và nhà từ điển học Alexandre de Rhodes biên soạn sau 12 năm hoạt động ở Việt Nam. Sách được Thánh Bộ Truyền bá Đức Tin (Sacra Congregatio de Propaganda Fide) ấn hành tại Roma năm 1651 lúc ông về lại Châu Âu.
Tiếng Việt trong Từ điển Việt–Bồ–La là tiếng Việt trung đại, không phải là tiếng Việt hiện đại đang được sử dụng ngày nay. Tiếng Việt trung đại là một giai đoạn trong lịch sử tiếng Việt, kéo dài từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX, tiếng Việt hiện đại là tiếng Việt từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay. Ngữ âm tiếng Việt trung đại khác với ngữ âm tiếng Việt hiện đại.
Các bạn muốn xem chi tiết hơn về nội dung Từ điển này, có thể tải file pdf về coi.