Minh Tân tiểu thuyết 1910 – 05 – Duy Tân Công ty

Sự đổi dân thì Thánh nhơn ngài đã dạy khi ngài còn sanh tiền: Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân ….

Ấy vậy từ ngày Sĩ Vương đến hóa dân thành tục nước Nam Việt, những nhà Nho gia coi lại thì hay tàng ẩn và hay noi điều hủ lậu chẳng có mảy múng nào Tác tân dân! (1)

Nhơn khi rồi rảnh việc nhà, ngu đệ sang qua Trung Quốc cho biết tình hình cuộc duy tân.

Bởi Đường văn với Nam văn nhứt dạng, cho nên mới tìm tỏi cho tột lẽ hoán dân.

Tôi đi khắp các nẻo đường Hương Cảng, Dương Thành, Hồ Nam, Hồ Bắc, Phật Sơn, Tam Thủy đều thấy thiên hạ đua bơi, đâu đâu lo lường sanh phương thương nghệ (2).

Người thì ngồi trong phố rộng dệt bố tơ, làm pha ly, làm lượt, làm cà rá, hoa tai kẻ lo đóng giày, làm hia làm mủ làm kiếng, làm đèn, làm rương làm thùng, làm đủ các thứ vật dụng đặng gởi qua Nam Việt mà bán cho người mình mua.

Có kẻ lại lo việc tác tân dân lập Nhựt báo, khai sở nhà in bản đá, vẽ đủ các hình cho thiên hạ dễ hiểu. Có người văn chương lo dịch các sách ngoại quốc ra chữ nho, đặng cho người Thanh tường lãm. (Truyện xưa đều bỏ áo).

Tại Trung Quốc đương thời có ba điều quí là:

  1. Đa khai Tiểu học đường, Sử nhơn nhơn cu thọ giáo dục.
  2. Đa khai Công nghệ cuộc, sử thông quốc vô du dân tự thủ lợi quyền.
  3. Đa khai thủy lục quân học đường …

Nẻo đường nào cũng có trường học đề hai chữ: Thơ viện.

Kẻ vô phương lãnh lấy các Nhựt trình, các sách vở đi rảo các bến tàu xe lửa và các khách sạn mà bán cho bộ hành.

Những người lão khẩu lại lãnh các thứ thuốc hoàn, thuốc tán, thuốc nước, thuốc dầu, đứng tại các ngả tư đường lộ mà rao báo, chuốt ngót bải buôi.

Còn các nhà đại thương thì lại rao truyền trong nhựt báo, in hiểu thị cáo thị mà rải khắp, cùng dán tứ phương: xưa vách tường đóng rong, nay tường thành ngũ sắc.

Ngu đệ vào mỗi một nhà nghề mà xem cho rõ cơ mưu. Người Quảng Đông đều hỏi chớ bên Nam Việt không có như thế sao?

Tôi hổ thẹn bèn rơi nước mắt.

Các người ấy khuyên rằng:

“Như muốn cũng chẳng khó gì. Một phải đồng tâm hiệp lực, đậu bổn kẻ ít người nhiều, rước anh em chúng tôi qua dạy cho!”

“Hãy coi cuộc xe lửa Hớn khẩu, mỗi phần hùn có 5$ mà thôi. Mà mới rải giấy ra không đầy một tháng người Thanh hùn được 8 ngàn muôn đồng bạc; 8.000.000$ vào Hãng xe lửa sơn đầu cũng lớn vốn.”

Ôi! Chớ chi các Hội đồng, các tổng các làng mà muốn, cái gì mà làm không kham.

Ấy là chỗ tại minh minh đức của chư ông đó.

Tác tân dân là bổn phận, trách nhậm của chư ông. Nếu như ông không màng đến, dầu ai cho giỏi mấy đi nữa, cũng chẳng làm gì nổi. Ấy là  sự thiệt.

Các ông ôi! Nhiều khi các ông muốn sự vô íc, ước điều trái lẽ mà thành sự. Sao cái việc tác tân dân chư ông bỏ lại một bên.

Lẽ phải thì khi Ngu đệ có lòng vựa người đồng ban, lo lập hùn kia, lập hội nọ bổn phận chư ông nhựt nhựt hằng niệm, nhóm nhau lại mà xét coi Ngu đệ bày ra như vậy có phải là đều chuộc danh tiếng cho con nhà nước Nam chăng, mới là phải cho. Chư ông cử một ngón tay lên thì Nam Việt nên danh, còn mà cứ đành lòng hạ thủ hoài thì, dầu có thiên ngôn vạn ngữ cũng vô ích. Dầu mà nhà nước muốn, mà chư ông vô tình với dân, cũng khó mà mau tấn bộ được.

Có đâu nói cái gì, hỏi điều chi, cả thảy đều nín làm thinh, không thèm ừ hử lại, ấy có phải là thậm ức chăng?

Hay là các nhà tơ ý muốn cho dân còn dã man hoài cho dễ bề trị thì nói, đặng Ngu đệ biết thân mà câm họng lại cho rồi. Ấy là chỗ tôi nói tỷ, chớ không lẽ như vậy, phải không chư ông?

Chư ông ôi! Chẳng phải tôi muốn điều chi cho quá lẽ.

Tôi muốn mở cuộc Tác tân dân, lập 20.000 phần hùn, mỗi hùn 5$ mà thôi, chẳng phải là nhiều.

Có lẽ nào trong mỗi một hạt mà không được 1.000 phần hùn sao? Được cùng không được, đều tại trong tay chư ông.

Như được thì: 20.000 x 5 = 10 muôn bạc dùng lập nhà nghề ra rước các thợ về xứ dạy em cháu, trước bán đồ ra trong xứ giá rẻ có đại lợi, sau lần lần kẻ đồng ban noi biết nghề lại sanh phương ra nữa thì trong 5 năm cuộc hoán dân. Phải thành nghiệp cả mà chớ!

Phải coi cuốn nhì thì mới rõ công việc, giá cũng 0$10.

Gilber Chiếu


(1) Vì mỗi người lo cho mình mà thôi.

(2) Phải mua cuốn sách Hương Cảng nhơn vật Quảng Đông tỉnh thành phong cảnh mà coi thì mới rõ tình hình. Đây nói sơ mà thôi.


Lời kết cuốn nhứt

Tôi chưa tìm được Cuốn nhì như lời của tác giả Trần Chánh Chiếu nên dừng lại loạt bài viết tại đây. Tôi sẽ tìm hiểu thêm, nếu may mắn tìm được Cuốn nhì sẽ đăng tiếp để các bạn cùng đọc.

Cảm ơn.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!