Hoá thân hay là ẩn dụ về nỗi buồn

Tác giả: Tuyết Như

Trước đây, tôi hiếm khi đọc Kafka. Một phần do thấy mình không hợp gu, phần còn lại vì chán ghét dòng tiểu thuyết hư cấu. Cảm giác buộc bản thân phải dụng tâm suy ngẫm để tìm kiếm mọi lời giải đáp từ tác phẩm khiến tôi xa dần dòng văn học này. Tôi khi ấy quả quyết rằng cuộc đời vốn đã có quá nhiều việc để làm, để nghĩ và đương nhiên để lo toan. Nếu còn dành nhiều thời gian cho việc đọc thì tâm thế của bản thân sẽ chẳng bao giờ thư thái.

Sau vài năm, do tính chất của việc học, bản thân dù ngán ngẩm nhưng vẫn phải tiếp xúc với những tác phẩm kiểu dạng như thế. Bẵng đi một thời gian, khi chính mình gặp vài trở ngại về tâm lí, tôi hay duy trì thói quen đọc sách như một cách để chữa trị tạm thời. Đọc nhiều thứ, thượng vàng hạ cám. Đọc cả những tác phẩm trước đây tôi đặc biệt sợ hãi. Kafka và tiểu thuyết Hóa thân đã tình cờ đến với tôi trong những ngày tối tăm như thế. Câu chuyện kể về một anh chàng tên Samsa bỗng nhiên biến thành một con bọ. Vì muốn hướng người đọc đến cảm giác kinh tởm của Samsa trước hình hài mới, Kafka cố tình giữ hình ảnh con vật đó trong bí ẩn. Nhiều độc giả của dòng văn hóa đại chúng hay hình dung con vật bí ẩn ấy dưới hình dạng một con gián. Nhưng tác giả Lolita, người am tường về các loại bướm và tiểu tiết vụn vặt, Nabokov khẳng định đó phải là bọ cánh cứng.

Giữa lúc mỏi mệt về mọi thứ xung quanh, khi tiếp nhận tác phẩm này, khiến tôi có cảm giác “đồng bệnh tương lân”. Về cá nhân, tôi chợt nhận ra mấu chốt không phải nằm ở việc phải gọi tên hay mặc định con vật ấy là gì, thuộc dòng động vật có thật nào trên cõi đời này. Cảm giác run rẩy khi đọc những dòng miêu tả về “chất dịch màu nâu” tiết ra từ miệng con bọ khiến tôi nghĩ đến chính mình. Kỳ thực, Hóa thân vốn là câu chuyện về một người, một cá nhân buồn bã đến mức biến dạng hình hài. Trường hợp ấy với nhiều người là cá biệt. Nhưng trường hợp ấy cũng có thể là phổ quát, nếu bạn là cá nhân đã từng trải nghiệm thứ cảm giác tồi tệ ấy.

Dưới góc nhìn của y học hiện đại thì Samsa có đầy đủ biểu hiện của một người trầm cảm: không còn muốn ăn uống, nói chuyện, không thể kết nối được với bất kỳ ai, không tìm thấy sự an ủi ở những thứ như tình ái, triết lý hay nghệ thuật nào. Tệ hơn thế, anh luôn cảm thấy mình như bị bao bọc trong một căn phòng, cách ly mình với cuộc đời và sự sống. Và như bao bệnh nhân trầm cảm khác, anh hoàn toàn thất bại trong việc chia sẻ cảm giác của mình với mọi người. Nhiều người tỏ thái độ miệt thị, xem thường, thậm chí đánh đồng cho rằng anh là gánh nặng đáng xấu hổ cho gia đình và xã hội.

Gấp quyền sách lại, bao nhiêu trăn trở vỡ òa trong tôi. Những người đối diện với hội chứng trầm cảm đã từng đối mặt với trạng thái tự cô lập và bị cô lập như vậy? Vào những thời điểm ấy, chúng ta khác gì một con bọ dị hợm tồn tại ở giữa thế giới loài người? Tôi đã nghĩ, dường như con bọ của Kafka thật ra chỉ là một con người bị nỗi buồn làm cho méo mó, đến mức nhân loại không còn (muốn) nhận ra đó là một con người. Và tôi hốt hoảng nhận ra trường hợp của cá nhân mình. Tệ hơn nữa, tôi chẳng phải là người đầu tiên và duy nhất của cơn sa chấn tinh thần đột ngột này.

Một vài tháng loay hoay tìm kiếm cách chạy chữa nỗi buồn, tôi đã tìm thấy một phương thức khả dĩ: lắng nghe chính mình. Cho phép bản thân được lắng nghe nội tâm của chính mình không khó khăn nhưng cũng chẳng dễ dàng gì. Kỳ thực, phương pháp này vốn là một khái niệm khá hiện đại. Nó cho phép bản thân được tịnh dưỡng trong chính những thời khắc được đối thoại với chính mình. Từ đó, cá nhân sẽ có cách thấu hiểu và tuỳ thuộc mức độ nặng nhẹ của cơn sa chấn và khoảng thời gian trị liệu mà vượt qua nhanh hay chậm.

Sau lần tự cân bằng tâm lí ấy, tôi đã đổi thay nhiều nghĩ suy về đời sống. Tuy nhiên, những trăn trở cá nhân vẫn ở lại. Sống giữa thời hiện đại, hiểu biết nhiều tri thức cơ bản nhưng tôi vẫn luôn bối rối không biết cách xử trí ra sao với nỗi buồn của chính mình? Phải chăng con người vẫn luôn có xu hướng không sẵn sàng đón nhận nỗi buồn như một trạng thái tình cảm đáng được quan tâm và ai cũng dễ gặp phải? Và đến bao giờ, con người ta mới thật sự dám đối diện với bản thể cá nhân của chính mình?

Viết một bình luận

error: Content is protected !!