Chất liệu và kỹ thuật hội họa: Phấn màu và màu bột

”Cái bất hạnh đối với một họa sĩ là để cho lý thuyết lấn bước thực hành”.

Léonard De Vinci.

Phấn màu là một thứ màu bột được làm cho đặc cứng lại gồm có sắc tố nghiền với nước và kết dính bằng keo hoặc đôi khi với đất sét, rồi tạo thành hình trụ nhỏ và để cho khô. Kỹ thuật vẽ phấn màu rất thịnh hành ở Pháp, nhất là trong số các họa sĩ chân dung thế kỷ 18. Vẽ phấn màu thì mặt nền, thường là giấy hoặc giấy bồi, phải khá nhám để giữ chất bột lại trong khi họa sĩ xát lên. Để cố định màu, người ta phun lên mặt tranh một chất dính kết trong suốt. Nhưng phấn màu không bền nên người ta phải lộng kính để giữ vẻ tươi mát và mịn màng của nó.

Mặc dầu phổ màu của họa sĩ phần nào bị hạn chế do tính mờ đục của chất màu này, nhưng phấn màu có nhiều ưu điểm: sự thực hiện linh hoạt và mau lẹ, chất liệu nhẹ nhàng, nhiều khả năng  tiếp tục lại, những phẩm chất mà các họa sĩ chân dung cung đình Pháp và Ý rất tán thưởng. Vào thế kỷ 18, Nattier và Quentin de la Tour vẽ bằng nét gạch chồng lên nhau, trải mờ màu bằng ngón tay cái hay một miếng da sơn dương. Tranh chân dung của họ hết sức tỉa tót có lẽ không hiện thực và tự nhiên bằng tranh của Liotard và Rosalba Carriera, và kém tính chất tâm tình hơn tranh của Chardin. Cuối thế kỷ 18, phấn màu sau một thời gian gắn bị lu mờ lại trở thành kỹ thuật được ưa chuộng của Degas, Toulouse Lautrec và Redon, các họa sĩ này vẽ trên giấy bồi rơm hay giấy ráp nhuộm màu và tìm thấy trong các màu sắc tế nhị và nhẹ nhàng của phấn màu cả một phổ sắc thái để thể hiện những ảo ảnh thoáng qua và lạ lùng của họ. Nền tô màu cho phép biến hóa các ấn tượng kết cấu và sắc độ tùy theo độ trong suốt của nét bút.

Degas cũng như các họa sĩ khác đôi khi kết hợp phấn màu với các phương tiện khác, chẳng hạn như màu bột và màu thủy noãn. Một số tranh phấn màu cũng được vẽ trên một nền đầu tiên bằng nhựa thông hay dầu bóng cầm màu. Gần đây, việc chế tạo phấn màu có gốc dầu đã cho phép các họa sĩ có được sự kết dính chất bột màu tốt hơn và màu sắc có vẻ phong phú, sâu sắc hơn.

Màu bột, cũng giống như màu nước, là một thứ sơn màu trong keo, nhưng đậm đặc hơn. Cùng với phấn màu, đây là một kỹ thuật mà các họa sĩ vẫn dùng để vẽ các bức khảo họa, nhưng nó cũng được khẳng định như một phương tiện riêng biệt. Nó cũng có phẩm chất mềm dẻo, dễ vận dụng, vẽ được nhanh và đặc biệt thích hợp để vẽ bích chương hay bề mặt trang trí lớn; nếu dùng làm lớp lót, nó cùng tương đương với màu thủy noãn nhưng vững chắc hơn. Tốc độ khô có thể được làm chậm lại bằng cách cho thêm mật hay một chất acrylic, nhưng nếu ta muốn có sự tan hòa thật sự của các màu thì nên trải những lớp toàn sắc khác nhau lấn chồng lên nhau, và bằng những nét gạch bằng phấn màu trên nền tô màu.

Nếu dùng bút lông heo trên vải, hay trên giấy ráp thì bề mặt sẽ đóng cục và có lằn sọc; để có màu láng đều, phải làm lỏng bột màu ra và vẽ bằng bút mềm bằng lông chồn.

Ở phương Tây, màu bột đã được dùng từ lâu để vẽ khảo họa, nhất là những bức bản thảo cho thảm và những bức sơn dầu lớn của Raphael và Rubens. Ở thế kỷ 16, màu bột được các nhà tiểu họa dùng với bút lông mịn,và ở thế kỷ 18 nó được dùng để trang trí quạt ở Pháp và Ý. Người ta tìm thấy những thí dụ tuyệt đẹp trong những tranh cảnh đồng quê vẽ trên lụa hay giấy, đóng trong khung gỗ hoặc ngà chạm. Các họa sĩ hiện đại cũng thường dùng phương tiện này vì vẽ được nhanh và mau khô, nhất là Kandinsky, Klee, Ronault, Sonia Delaunay và Picasso, nhất là trong thời kỳ hồng của ông, vì nó rẻ tiền hơn sơn dầu. Nhiều bức hảo họa chuẩn bị cho bức Guernica danh tiếng của Picasso cũng được vẽ bằng màu bột độc sắc.

Ở phương Đông, những bức tiểu họa Ấn Độ, Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ, những bức chân dung cung đình hay minh họa chuyện lịch sử, tôn giáo hay huyền thoại, được vẽ bằng màu bột. Những quyển sách đầu tiên có hình minh họa theo phương pháp này gồm những lá cọ đóng trong bìa gỗ. Phong cách của các họa sĩ Ấn Độ mặc dầu chịu ảnh hưởng chủ nghĩa hình thức trang trí của sách viết tay Hồi giáo nhưng chứng tỏ có sự tự do diễn đạt, như bức vẽ nắn nót ở Rajasthan cho thấy.

Tranh Vũ nữ (hành lang nhà hát vũ kịch)

Tác giả: Edgar Degas, họa sĩ Pháp

Từ bỏ cái vẻ nhờn nhợt cổ điển của lối về giảm sắc mờ nhạt, Degas gợi ra chuyển động và ánh sáng bằng những nét thẳng cứng, mạnh bạo. Mặt tranh rung lên với những nhịp điệu của những đường vẽ vội vàng cắt chéo nhau, và các hợp sắc đối chọi nhau.

Tranh Thiếu nữ Nga trong phong cảnh, hoàn thành năm 1905

Tác giả: Vassili Kandinsky, họa sĩ Pháp gốc Nga

Họa sĩ để nền đen của giấy lộ ra để xác định một số đường viền và làm nổi sự hài hòa tinh tế của các hợp sắc mờ bằng màu bột. Các điểm màu phẳng giống như những mảnh khảm lóng lánh.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!