Những nét thể hiện của tranh chủ đề Cuộc sống cần lao

”Nghệ thuật của người Hy lạp, người Ai Cập và các họa sĩ lớn mà ngày nay không còn nữa không phải là một nghệ thuật của quá khứ; ngày nay có lẽ nó còn sống động hơn bao giờ hết. Vì nghệ thuật là bất biến: chính ý tưởng của loài người tiến hóa, cũng như cách thể hiện của họ”.

Picasso.

Theo những truyền thuyết hầu như ai cũng biết, đó là đã có một Thời đại Hoàng kim, thời đại Vườn Địa đàng. Thời đó, con người chỉ cần bỏ ra chút công vun xới mảnh vườn là có thể bảo đảm nhu cầu thực phẩm chỉ gồm rau trái của mình. Nhưng công sức cày xới đất đai, một công việc cần mẫn, dơ bẩn và cực nhọc, trong thực tế là lúc nào cũng được dành cho giai cấp công nhân nghèo nàn. Nghệ thuật cổ chú ý minh họa lại những cảnh thường ngày của hoạt động nông nghiệp đó, và bắt đầu từ thế kỷ 16, chủ đề này càng chiếm được nhiều chỗ hơn trong các Quyển Kinh Giờ thời Trung cổ. Các quyển sách kinh này hệ thống hóa các nghi lễ tôn giáo từng ngày, theo sát các ngày lễ của Giáo và lễ chư thánh, và minh họa mười hai chủ đề tương ứng với các tháng, với chu kỳ đời sống và công việc của cộng đồng.

Trong quyển Kinh Giờ Rất Phong Phú của Công tước De Berry, một tuyệt tác của loại này, được anh em Limbourg thực hiện vào đầu thế kỷ 15 ở Bourgogne, tính cách tự nhiên của thời Trung cổ, kết hợp với một số quy ước nhất định về hình thể, cho ta một hình ảnh cô đọng điển hình của nghệ thuật này về thời đại của một thế giới mộng mơ mà nhất đán ta có thể thấy là rất thực. Không kể các khía cạnh khác, mười hai bức tiểu họa đó là một chặng đường quan trọng trong sự tiến hóa của tranh phong cảnh; chúng chứng tỏ sự am hiểu duy nghiệm về luật phối cảnh, và lần đầu tiên, một số nghiên cứu nhất định về bóng ngả. Chúng ta gặp được trong đó hai bộ mặt của đời sống đương thời: một đàng, những cuộc giải trí ở triều của giới quý tộc và, đàng khác, công việc đồng áng theo nhịp điệu các mùa. Trong các cung bán nguyệt trên các tiểu họa đó, có các giai đoạn khác nhau của cung hoàng đạo.

Tháng hai được minh họa bằng một trong những tranh phong cảnh tuyết đầu tiên trong lịch sử hội họa, nếu không phải là bức tranh đầu tiên, trong đó ta thấy dân quê ngồi bên đống lửa, kéo áo choàng lên để sưởi ấm hơn, cử chỉ có thể bị coi là hơi thô tục và do đó đôi khi đã bị sửa đổi trong các lần sao chép lại sau này; bên ngoài một số người khác bận đốn cây hoặc làm các công việc nặng nhọc khác trong cái lạnh cắt da. Một số tháng hè ca tụng những thú vui tinh tế của giới quý tộc, những tháng ba, tháng sáu và tháng mười được dành cho việc cày bừa, cắt tỉa nho, gặt hái và gieo hạt giống, theo đúng chu kỳ công việc đồng áng. Được mô tả chi tiết kỹ lưỡng, những hoạt động đa dạng đó có vẻ như chỉ do sự quan sát chính xác các sự kiện; nhưng một người quan sát sành sỏi ngày nay có lẽ sẽ thấy ở đó có một điểm mỉa mai kín đáo. Trong khi ở tiền cảnh là những cánh đồng trải rộng ở đó các nông dân làm lụng thì, ở hậu cảnh, tháp và chóp nhọn lâu đài như trong chuyện thần tiên in hình lên bầu trời trong vắt. nhưng những thứ đó là có thật, những pháo đài xinh xắn đó là chỗ ở của các nhà quý tộc xứ Bourgogne thế kỷ 15, và cảnh sống huy hoàng của họ dựa trên sức cần lao của các nông dân mà cảnh sống ẩm hiu từ đó đã đi vào truyền thống nghệ thuật và hẳn đã gây cảm hứng cho những thế hệ họa sĩ tiếp theo.

Quan niệm trong kinh thánh coi việc lao động như hình phạt một lỗi lầm đã ảnh hưởng tới nghệ thuật Cơ đốc giáo một cách sâu sắc. Theo tinh thần đó, một bức phù điêu thấp của Jacopo Della Quercia thể hiện Adam và Eva đang gặt hái hậu quả tội lỗi của họ: Eva siết chặt cái suốt chỉ trong khi Cain và Abel bám vào chân bà; Adam mặt nhăn nhó, các bắp thịt vống lên, cố gắng cuốc mặt đấy kho cằn một cách tuyệt vọng. Vẻ tuyệt vọng đó cũng thấy trên gương mặt những người lao động ở Nhà rửa tội Parme: việc thu hoạch kết quả của đất đai, bánh và rượu, cơ sở sự sống vật chất và tinh thần của con người, không làm cho những con người cục mịch và càn mẫn đó vui sướg, mặc dầu cử chỉ của họ đầy vẻ ngây thơ và trang nghiêm đến cảm động.

Trong những nền văn minh không bị ràng buộc với định mệnh, công việc nhà nông được thể hiện một cách thoải mài hơn, đôi khi với cả sự hài hước nữa, như trong nền mỹ thuật Ai Cập và thời kỳ Minos. Bích họa trong một hầm mộ ở Thèbes (Ai Cập) thể hiện một cảnh gặt lúa rất sinh động và trang nhã. Và chiếc bình “”Thợ gặt Minos”” nổi tiếng có niên đại 1550 trước TL xuất xứ từ cung điện  Hagia Triada trên đảo Crète cho thấy sự hân hoan của màu gặt.

Trong nền mỹ thuật phương Tây, nông nghiệp là một chủ đề thường gặp, nhất là trong các Quyển Kinh Giờ Thời Trung cổ, như ta đã thấy. Hình thức niên lịch này được thể hiện rất đẹp trong loạt tranh Bốn mùa của Bruegel. Tháng Tám là hình ảnh rực rỡ của cái nóng mùa hè ngột ngạt: giữa đám lúa vàng, người thợ gặt ngả rạp mình trên mặt đất, hai chân dạng ra, dáng điệu vô cùng mệt nhọc. Ngược hẳn với bức tranh hiện thực về ình ảnh cần lao của dân quê này, Georges Stubb cho thấy một hình ảnh của nông thôn Anh quốc ở thế kỷ 18 làm ta nhớ tới các bích họa phù điêu cổ đại, trong đó các hình thù khắc ở tiền cảnh theo một trật tự hoàn hảo. Cho dù viên quản lý cưỡi ngựa có mặt là để nhắc nhở rằng những người quý phái không hạ mình làm công việc chân tay, nhưng những người làm công có vẻ vẫn có được phẩm cách riêng. Quần áo của họ hoàn toàn không phù hợp với loại hoạt động đó, và chỉ hơi khiêm tốn hơn quần áo của chủ họ một chút, và cái vẻ thanh nhã trong cử động của họ, một phần có lẽ do những quy tắc bố cục của chủ nghĩa tân cố điển, ăn ý với sự hài hòa của phong cảnh đành là có phong cách điền viên nhưng có vẻ  Anh không thể chối cãi, sự hài hòa bắt rễ bền chặt trong sự lặng lẽ chấp nhận trật tự thiên nhiên và xã hội.

Tranh Mùa đông – Bruegel

Ở thế kỷ 19, cùng với sự thức tỉnh của ý thức xã hội, công việc cần lao trở thành đối tượng được tôn kính gần như tôn giáo. Người ca tụng chủ đề này là Millet: bức Angélus của ông phản ánh rất rõ quan niệm lãng mạn đa thần của ông về sự đồng cảm giữa con người và thiên nhiên. Người gieo hạt hay Người Gặt lúa còn  cho thấy rõ hơn cố gắng để có thái độ khách quan của ông. Van Gogh sử dụng lại một số chủ đề của Millet, biểu lộ công khai hơn cảm tình của ông đối với người lao động, trong các hình thù được viền rất đậm và các gương mặt méo mó đi gần tới thú tính. Bức người Gặt lúa của ông chính là hình ảnh của sự tranh đấu không thể tránh và làm người ta kiệt sức để sống còn.

Vì vẽ tranh về công việc cần lao không đòi hỏi sức mạnh của bắp thịt mà là sự khéo léo của bàn tay hay trí tuệ nên loại tranh này tương đối hiếm. Những đề tài đã thiếu yếu tố cố gắng dễ làm ta xúc động như vậy thì rất khó thể hiện vì chúng đòi hỏi hoạt động tinh thần khó cụ thể hóa.

Xã hội thương nghiệp của Hà Lan thế kỷ 17 thường hiến cho người ta rất nhiều chủ đề có tính giai thoại; nhưng những cuộc khám phá khoa học của thời kỳ đó là cơ sở cho nhiều tác phẩm ngoạn mục như Bài học giải phẫu của Bác sĩ Tulp của Rembrandt được phối hôp trong sự tương phản đột ngột giữa bóng tối và ánh sáng từ đó hiện ra những gương mặt căng thẳng, bồn chồn vì bị cuộc nghiên cứu kích thích. Họa sĩ Mỹ Thomas Eakins cũng sẽ dùng kỹ thuật sáng tối tương tự trong bức Dưỡng đường của Bác sĩ Gross. Khía cạnh rùng rợn của bức tranh đã bị phê phán là chướng mắt vào thời đó; nhưng ngày nay cái gây ấn tượng cho ta trước hết là không khí căng thẳng của quá trình phẫu thuật và sự tập trung hiện rõ trên vẻ mặt của nhà phẫu thuật.

Theo truyền thống, người ta trình bày công việc của phụ nữ như là những giờ khắc vui thú thanh thản chứ không phải là công việc nặng nhọc. Vermeer họa sĩ chuyên vẽ cảnh yên tĩnh, có kinh nghiệm miêu tả sự chăm sóc gia đình. Dưới nét cọ của ông, một chị giúp việc tầm thường đang rót sữa cũng trở thành hình ảnh của một sự nhận xét sâu xa và thường hằng về cuộc đời; hành vi tầm thường hàng ngày của chị có tính chất gần như thiêng liêng dưới ánh sáng màu xà cừ khó sánh.

Nếu ta để riêng tác phẩm của Chardin ra thì phải đợi tới thế kỷ 19 mới thấy xuất hiện lại đề tài sinh hoạt trong gia đình với những chị là quần ao của Degas. Ông thu lấy những hình ảnh thoáng qua của cuộc sống hàng ngày và làm sống lại truyền thống chân dung tập thể. Trong bức Cơ quan Bông vải ở Nouvelle Orléans, ông là người đầu tiên thể hiện cái không khí náo nhiệt trong một văn phòng thời hiện đại. Sự bố trí các bình diện không có vẻ hài hòa nhưng thật ra tuân theo một bố cục chặt chẽ trong đó các nhân vật tạo thành một phối cảnh phi đối xứng và gợi ý một hoạt động căng thẳng.

Reynolds cũng có cách tân trong bố cục các bức chân dung các nhà trí thức. Ông đã vẽ Tiếng sĩ (Samuel) Johnson trong một tư thế vụng về, không phải vì bận tâm tới tinh thần hiện thực mà là để cho thấy rằng những công trình vĩ đại của trí tuệ con người không phải được nghĩ ra một cách dễ dàng do hiệu quả của cảm hứng thần thánh.

Gần chúng ta hơn, các họa sĩ Mexico như Rivera và Orozco tha thiết nâng việc làm thực tế thành những hành vi anh hùng, khuynh hướng được các nghệ sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa chia sẻ. Những nghệ sĩ biểu tượng Tây phương như Ferdinand Holler đã ban cho công việc cần lao một hình ảnh gợi ý mạnh mẽ, như người tiều phu với sức sống thần kỳ. Nhưng họa sĩ đã tìm được cách biểu hiện thỏa đáng nhất một triết lý xã hội và chính trị nhất định là Léger: những người thợ của ông hợp nhất với thang treo và giàn giá có vẻ như đang chuyển động với sự uy nghi tôn giáo trong kỷ nguyên của máy móc này.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!