Những nét thể hiện của tranh chủ đề Tình nhân

”Nghệ thuật của người Hy lạp, người Ai Cập và các họa sĩ lớn mà ngày nay không còn nữa không phải là một nghệ thuật của quá khứ; ngày nay có lẽ nó còn sống động hơn bao giờ hết. Vì nghệ thuật là bất biến: chính ý tưởng của loài người tiến hóa, cũng như cách thể hiện của họ”.

Picasso.

Chắc chắn là ngay khi xã hội loài người xuất hiện, sự kết hợp thần bí giữa người đàn ông và người đàn bà, kéo dài suốt đời, đã kèm theo các nghi thức và lễ lạc. Trong nền nghệ thuật Cơ đốc giáo, câu chuyện Adam và Eva cũng không thoát khỏi truyền thông đó. Một trong các bức tranh đẹp nhất nói về chuyện đó là của Durer, với sự hoàn hảo về hình thể rất cổ điển làm tót ra một cảm giác về sự thanh thản bất chấp sự có mặt của con rắn. Van Eyck trong bức Arnolfini và vợ đã thể hiện bằng ngôn ngữ thị dân cặp vợ chồng biểu tượng Adam và Eva. Thật vậy, cặp vợ chồng này ăn mặc sang trọng, xung quanh đầy những thứ quyến rũ của thiên đường trần gian được trưng bày một cách tỉ mỉ và tình tứ trong pòng riêng mà sự bố trí khéo léo dựa theo luật đối xứng và ánh sáng.

Trong một bối cảnh khác hẳn, các bức tượng Ai Cập thể hiện Rahotep và Nofret cứng nhắc trong sự bất động hoàn toàn đối diện với vĩnh cửu, làm cho chúng ta có cảm giác về sự cô đơn thống thiết trong sự kết hợp lứa đôi. Nhưng nghệ thuật Ai Cập không phải không biết tới tình cảm dịu dàng, như hoạt cảnh tuyệt mỹ trang trí phía sau ngai vàng vua Tout Ankh Amon cho thấy, trong đó ta bắt gặp con cái đức vua đang chơi đùa. Tình yêu nẩy nở không ngớt làm người ta mơ mộng và không chỉ trong nền văn minh Tây phương chịu ảnh hưởng bởi thứ tình yêu thanh lịch của các nhà thơ trữ tình phương nam trong đó người đàn bà được đặt lên bệ và được chiêm ngưỡng từ xa, … Trong nghệ thuật tán tỉnh phụ nữ, phong tục Ba Tư và Mông Cổ được miêu tả với những vần thơ quyến rũ: những đôi tình nhân đùa nghịch trong vườn hoa tuyệt đẹp giữa hoa, lá hái từ sa mạc khô cằn, có vẻ như chen lộc vào khung cảnh đẹp một cách thần bí. Tính kiểu cách của các bức tiểu họa phản ánh nền văn hóa của một xã hội có những nghi thức giả tạo, nhưng xúc động ngây thơ của cặp tình nhân không phải vì thế mà kém tính nhân bản.

Cái cách mà Rembrandt minh họa tình yêu đặc biệt làm ta xúc động vì, trong sự dịu dàng sâu kín của một cử chỉ tầm thường, ông đã nắm bắt được ý nghĩa thiêng liêng. Trong bức Cô dâu Do Thái, hai bàn tay chạm nhau, đôi mắt nhìn xuống của người đàn ông và của người đàn bà biểu lộ nhiều hơn lời nói, nhưng với sự ý tứ kín đáo. Cử chỉ hơi nghiêng đầu hay thân mình của người này nghiêng về phía người kia có vẻ là một cử chỉ âu yếm mà ai cũng hiểu, vì trong các tác phẩm nghệ thuật rất xa với truyền thống châu Âu cũng có thấy như vậy, ví dụ như những tượng nhỏ ở Soudan thể hiện một cặp với vẻ uy nghi tương xứng với sự ca tụng tính chất thần bí của việc sinh đẻ. Cử động đó cũng có thể nhận ra trong tượng Vua và Hoàng hậu của Moore, dưới vẻ trang nghiêm được đẩy tới chỗ gần như hài hước có một sợi dây liên hệ bí mật do sự kề cận của hai cánh tay và dáng nghiêng của đầu gợi ra.

Bức tranh Cô dâu Do Thái của Rembrandt

Nghệ thuật không chỉ dừng lại ở những hình thức tình yêu lãng mạn và đam mê; Grosz có một cái nhìn giễu cợt đối với cặp vợ chồng béo lùn và dễ mến, và không vì thế mà phủ nhận sức mạnh kết hợp họ. Trong tác phẩm của Wood mang dấu vết sự châm biếm tinh tế,các nhân vật rất tầm thường và cũng nhắc nhở như được tạc trong gỗ, đã đạt được sự bất tử với tư cách là biểu tượng của sức bền bỉ và tính ngay thẳng của những người dân Mỹ tiên phong. Nếu những nghi thức xung quanh tình yêu hiến cho nghệ thuật một đề tài vô tận để thể hiện hình thức thì lòng say mê buông thả cho thấy một vấn đề gai gốc hơn, ít nhất là cũng theo lề thói thường được chấp nhận trong nền văn hóa của chúng ta. Nhiều nền văn hóa khác có ít những sự cấm kỵ hơn, và nhất là trong nền điêu khắc Ấn Độ, lạc thú tình dục được biểu lộ với sự thẳng thắn đáng kể. Để so sánh thì tính nhục cảm của một số họa sĩ lớn nhất của phương Tây có thể coi là phần nào ít dâm dật hơn; đó là trường hợp của Le Titien khi ông vẽ Vénus giải trí bằng âm nhạc. Nhất định  bức tranh này là sự ca tụng tuyệt mỹ lạc thú nhục dục với sự phong phú về màu sắc và thể khối, và gần như ta nghe được cả âm thanh, nhưng những quy ước thúc đẩy họa sĩ che giấu tình yêu bằng cái vỏ lễ nghi kể ra cũng khá khó xử. Tại sao, thật vậy, người đàn ông mặc lễ phục biểu diễn dạ khúc cho một bà hoàn toàn khỏa thân nghe? Vấn đề còn tế nhị hơn nhiều ngay đối với các họa sĩ phải thể hiện hành vi ái ân thực sự mà phải tránh tính dâm ô hay cái lố bịch. Thiên tài của Titien cao đến mức ông có thể cô lập cái say mê ngay trong lòng hành vi đó, như bức vẽ nét rạo rực của ông thể hiện Jupiter tấn công Io cho thấy. Có nhiều họa sĩ tài ba khác vẽ những bức gợi tình, nhưng họ đã không cho công chúng xem. Ít có những bức rõ ràng như những bức tranh trong loại sách ”phòng the”, ”bí hí” của người Nhựt, loại sách giáo dục tính dục trong đó việc ái ân được miêu tả bằng hình ảnh như là một lạc thú thanh nhã, tinh tế. nhưng, trái lại, ở phương Tây chính những khía cạnh lố lăng và thống thiết của sự say mê đã khiến một người như Hogarth có cái nhìn châm biếm. Không thể làm cho trùng hợp dục vọng với sự thỏa mãn chán chê: trong bức Sự quyến rũ: Trước và sau (Sự thiếu thận trọng), sự nồng nhiệt của kẻ quyến rũ biến thành lãnh đạm và lúc đó thì nạn nhân của anh ta khóc sướt mướt mà cầu khẩn anh ta.

Tuy nhiên, con người bất chấp tất cả là Courbet đã vẽ thành công không chút e thẹn giả vờ sự thỏa mãn mà khoái lạc hiến cho người ta. Trong Người ngủ,cặp tình nhân ngủ say sưa, cũng say sưa trọn vẹn như thú vui đam mê của họ vậy. Với bút pháp ít tính miêu tả hơn Courbet, các họa sĩ lãng mạn và biểu tượng đã thử trình bày, phân tích những hỗn loạn của lòng đam mê. CHo tới thời kỳ tương đối gần đây, nếu bãn phác họa là phương thức diễn đạt ưu việt của các tác phẩm gợi tình, có lẽ đó là vì nó thích hợp với chủ đề hơn là sơn dầu, sơn dầu bắt nguồn từ một phương pháp hoàn chỉnh hơn và có tính toán hơn. Thoát khỏi khía cạnh quá trau chuốt đó, Delacroix đã mở đường cho các phong cách còn năng động hơn của Munch và các họa sĩ biểu tượng là những người bằng họa pháp phẫn nộ và sắc độ gây hấn đã để lại dấu ấn trên cách nhìn sầu não của họ về quan hệ tâm lý giữa đàn ông và đàn bà. Trong bức Quỷ hút máu của Munch, anh tình nhân bị siết chặt như một con mồi. Cần phải ghi nhận là trong phần lớn những cảnh ái ân do các họa sĩ thế kỷ 20 thể hiện, nổi rõ lên sự hung bạo và sự sợ hãi. Trong bức tranh của Schiele, đôi tình nhân trần truồng, bám riết vào nhau trong mớ đường nét chằng chịt, hỗn độn, có vẻ cô đơn một cách tuyệt vọng ngay trong vòng ân ái mặn nồng.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!