Những nét thể hiện của tranh chủ đề Cuộc sống nhàn rỗi

‘Nghệ thuật của người Hy lạp, người Ai Cập và các họa sĩ lớn mà ngày nay không còn nữa không phải là một nghệ thuật của quá khứ; ngày nay có lẽ nó còn sống động hơn bao giờ hết. Vì nghệ thuật là bất biến: chính ý tưởng của loài người tiến hóa, cũng như cách thể hiện của họ”.

Picasso.

Đó là một buổi xế trưa mùa hạ tuyệt đẹp; bữa ăn ngày chủ nhật vừa xong, rượu và đồ tráng miệng vẫn còn trên bàn. Trong một không khí thư thả, các thực khách no nê ngồi nán lại để nói chuyện phiếm và ve vãn đôi chút. Còn phải nghĩ chuyện để tiêu hết buổi chiều dài đó, nhưng việc đó khôn gấp.

Renoir đã làm thành bất tử cái khoảnh khắc của vĩnh cửu đầy niềm vui sống thuần túy vào năm 1881 đó ở nhà hàng Fournaise ở đảo Chatou trên sông Secine. Đó là một trong những nơi được ưa chuộng nhất của người dân Paris, của các nhà thơ, nghệ sĩ, nhà bảo trợ văn học nghệ thuật, cho những cuộc vui cuối tuần. Dân ăn chơi và trưởng giả gặp nhau ở đó để đi xuồng trên sông, vì vậy mọi người đều mặc đồ nhẹ trừ Nam tước Barbier vẫn không rời cái nón cao như ống khói. Như thường lệ, những người đàn bà xinh đẹp cũng có mặt. Gương mặt nhìn nghiêng có vẻ hờn dỗi dưới vành mũ kết hoa là Aline Charigot. Đây là lần đầu tiên nàng xuất hiện trong tranh của Renoir, thoạt đầu ông đã tán tỉnh nàng rồi cuối cùng đã lấy nàng làm vợ. Thiếu nữ đang nâng ly là ”Người đẹp Angèle”, người hóm hỉnh và khiêu khích, người mẫu chuyên nghiệp. Còn cái bóng đẹp mê hồn tựa vào bao lơn là Alphonsine Fournaise, con gái của ông chủ quán; cô được Renoir vẽ ba lần. Chúng ta cũng nhận ra phần lớn những người đàn ông. Gustave Caillebote, bạn của Monet và Renoir, bản thân cũng là họa sĩ và là người sưu tập các tác phẩm của họ, là người trai trẻ đội nón hất ngược, ngồi trên ghế như cỡi ngựa; bên cạnh anh là Ellen André, kịch sĩ; nàng có vẻ như làm cho bạn của họ là nhà báo Maggiolo phát điên.

Bức tranh Luncheon of the Boating Party của Renoir

Cảnh tượng này diễn ra dưới mái hiên nhà hàng, ngay trên sông. Lúc đó là giữa mùa hè nhưng không nóng lắm, làn gió lay nhẹ tấm vải che hiên. Khi vẽ bức tranh điền viên này, Renoir vừa đúng bốn mươi tuổi và bắt đầu hưởng thụ sự bảo đảm mà sự chín muồi nhất định và nhất là sự thành công trong nghề nghiệp mang lại cho ông, mặc dầu không phải là không gay go. Bức tranh cho ta cảm thấy lòng tin bình tĩnh vào cuộc sống mà họa sĩ biết cách truyền cho nhân vật của mình.

Trong số các họa sĩ Ấn tượng, Renoir là người đầu tiên thể hiện kỹ thuật điểm ánh sáng bằng cách đặt những màu nguyên chất kế nhau mà sau đó ông loại bớt phần màu thừa để làm nổi bật hình thể phác họa ban đầu. Nhưng hiệu ứng quang học cũng không làm ông say mê bằng cảm giác vật chất về ánh sáng và không khí bàng bạc trong bức tranh. Bức tranh Bữa ăn trưa của những người đi chơi thuyền này cho thấy trước cách thức mà sau này ông sẽ theo, gạt bỏ các quy tắc lý thuyết để hoàn toàn lao mình vào đề tài, vào chính cuộc sống. Quả là cành lá ở hậu cảnh được thể hiện theo kỹ thuật ấn tượng, nhưng các bình diện ở tiền cảnh rõ ràng là được phân biệt trong cái nở nang của hình thể và sự phong phú của kết cấu màu sắc. Tác phẩm của ông không ngừng ca tụng hạnh phúc toàn mãn trong sự toàn mãn của hình thể. Cảnh điền viên mà ông vẽ ở đây không có tính siêu thực như tranh của Watteau, trái lại nó hiện diện một cách đáng ngạc nhiên trong chừng mực mà họa sĩ dường như chia sẻ với bạn bè – những người có mặt trong tranh – cái vui vẻ đầy sức sống, ầm ĩ, lành mạnh, trong buổi trưa hè đó.

Đi đôi với sự buông thả cho lạc thú được Renoir mô tả trong bức Bữa ăn trưa có một phiên bản với một nhân vật độc nhất ở tác phẩm của người thợ gốm Hy Lạp Exékias sống giữa thế kỷ 6 trước kỷ nguyên chúng ta. Đây là một cái chén thể hiện thần rượu Dionysos vừa nằm vừa ngồi trên chiếc thuyền của mình. Biển và bầu trời tan loãng vào nhau trong một thể vô tận như cõi trời trong đó chỉ có loài cá heo đùa giỡn, và chiếc cột buồm dùng làm giá đỡ cho một dây nho sum suê. Việc làm cho các yếu tố trang trí thích ứng với giới hạn của chiếc chén chứng tỏ nghệ sĩ nắm vững bố cục.

Cùng với kỹ thuật thành thạo như vậy về đường nét và hình vẽ, khoảng hai ngàn năm sau và ở phía bên kia trái đất, cái ngọt ngào của sự sống được Harunobu ca ngợi trong bức tranh một bản Thiếu nữ ngắm hoa mai ban đêm. Biểu hiện lạc thú đã luôn luôn là một chủ đề của hội họa, như thể là nhịp điệu của đường nét và sự sáng chói của màu sắc có thể làm cho giác quan say sưa trong chốc lát và thong thả tinh luyện cảm giác say sưa đó, và trong chừng mực nào đó, có thể làm cho nó sống mãi. Theo ý ”càng điên dữ người ta càng cười dữ”, những cuộc tiệc tùng, lễ lạc đã gây cảm hứng rất nhiều cho các nghệ sĩ. Một trong các tuyệt tác của loại này, bức Bữa tiệc của các thần linh, do Bellini vẽ trước khi mất ít lâu và được Titien hoàn tất, đã tập hợp thần linh và người phàm, các thần dê và các nữ thần sông suối vào một trong các bức tranh phong cảnh điền viên chưa từng có, một cuộc vui chơi điền dã trong đó lẫn lộn cái siêu nhiên và cái có thật. Một thời gian ngắn sau đó, Bruegel chú ý tới một lễ hội thôn dã, và chúng ta dường như nghe được những người nhảy máu vừa thở hổn hển vừa dẫm chân, trong khi áo váy lượn tròn theo nhịp. Những cơ thể nông dân sừng sững đó và màu sắc tương phản mạnh mẽ đó là đối cực với kỹ thuật của Watteau, họa sĩ này vẽ cho một giai cấp xã hội có khiếu thưởng ngoạn khác hẳn. Sự tan hòa các màu vào nhau làm cho cảnh đồng quê có cái không khí bàng bạc, nó phù hợp với vẻ thanh lịch uể oải của giai cấp quý tộc Pháp thế kỷ 18, trong đó sự sống có cẻ chỉ là một chuỗi bất tận thì giờ rỗi rãi ăn không ngồi rồi trong một mùa hè vĩnh cửu, chứa đầy âm nhạc, phụ nữ đẹp mê hồn và rượu.

Bên cạnh cái thế giới mộng mơ mà Watteau kéo chúng ta vào thì ngày chủ nhật đặc tính chất thời nữ hoàng Victoria do Frith vẽ đối với chúng ta cũng có vẻ tầm thường như một bức ảnh chụp chớp nhoáng. Tuy nhiên, thể loại tài liệu là một nguồn của cải của nghệ thuật được khai thác rộng rãi, và cảnh được Frith đưa lên đáng quan tâm, khám phá. Một bức tranh khác đáng chú ý là bức Quán rượu của Edward Kienholz, một đống lộn xộn thật sự những cốc và chai trong đó bật ra những mặt nạ thạch cao đi lại như bóng ma: hình ảnh lưu luyến cá nhân của chính họa sĩ về một quan rượu. Những cái bánh xe, những chiếc đồng hồ và quần áo nhơ nhớp là thực tại thường ngày của môi trường bình dân ở các thành phố lớn của thế kỷ 20. Với một tinh thần hoàn toàn khác, Matisse có lẽ là người có thể trừu tượng hóa hay nhất cái cảm giác thoải mái chứ không phải cái thực tại, ông là người coi nghệ thuật đối với tinh thần cũng như cái ghế bành êm ái đối với cơ thể. Bằng nhịp điệu của đường nét dịu dàng, ông gợi ra trạng thái lý tưởng: sự thư giãn khỏe khoắn.

Sự thư giãn, cũng như công việc lao động, sẽ trở nên buồn chán nếu nó thiếu mục đích. Thể thao là hình thức tiêu phí thì giờ nhàn rỗi một cách tích cực; nó đã được phát triển và được nghi thức hóa một cách tự nhiên ở Hy Lạp, nơi thân thể được đặc biệt coi trọng. Đối với nhà điêu khắc, vận động viên khỏa thân đang hoạt động là một chủ đề chọn lọc, được minh họa một cách rực rỡ bằng Tượng người ném đĩa của Myron có từ 450 năm trước TL. Nguyên mẫu đúc bằng đồng không còn truyền lại nên chúng ta chỉ biết qua các bản sao bằng cẩm thạch.

Thể thao dưới dạng tranh đua và nghi lễ đã sống qua nhiều nền văn minh liên tiếp, nhưng dưới dạng như Pieter de Hoogh trình bày trong bức Người khơi ki khoảng năm 1660 thì nó được thu hẹp vào một thứ nghi thức xã hội có quy củ như một điệu nhảy cặp chẵn. Bố cục của bức tranh, chủ yếu dựa theo các đường thẳng, có vẻ tương hợp với cơ chế của trò chơi, vì sự bố trí các bình diện tương ứng với nhau có thể được nhận ra như một biến cách phóng khoáng của sự sắp đặt các con ”ki”.

Có lẽ khó thể hiện những môn thể thao ngoài trời nhanh hơn và mạnh bạo hơn. Những thử nghiệm của các họa sĩ phái Tương lai Ý, những người sùng bái chuyển động, không thuyết phục lắm. Tác phẩm vô lý một cách thú vị trong việc thể hiện các môn thể thao hoạt động chắc chắn là Những người đá bóng của Rousseau – Ông thương chính vẽ năm 1908: mặc áo sọc màu mè và để râu như dã thú, họ nhảy nhót tự nhiên quanh một quả bóng bầu dục hơi tròn ngay giữa rừng. Một trong các khía cạnh quyến rũ nhất của nghệ thuật hồn nhiên là sự giải phóng hoàn toàn những bó buộc của sự thể hiện khách quan. Những tác phẩm thành công nhất trong việc cho ta một ý niệm về tinh thần thể thao, có để ý tới tính xác thực, đã nhấn mạnh tính chất nghi lễ của trò chơi. Ký ức, một bức tranh kỳ lạ, do họa sĩ tượng trưng người Bỉ Khnopff vẽ năm 1889, không chỉ là sự ưu ái môn quần vợt: Thái độ nghiêm trang của bảy người đàn bà chờ cuộc đấu bắt đầu quả là có gợi lên một nghi thức khai tâm thụ pháp để cảm thông với một sức mạnh siêu nhiên vô hình nào đó. Còn bức Cuộc đấu bóng len của Ben Shaln thì toát ra cảm giác thù địch, lạnh lùng, trong đó các cầu thủ đông cứng trong tư thế vụng về dưới cái nhìn không thương hại của một họa sĩ hiện thực xã hội.

Các họa sĩ Hà Lan thế kỷ 17 thì quan tâm tới các trò chơi trong nhà và cách tiêu khiển bằng âm nhạc; chủ đề này được Vermeer và Terborch thể hiện một cách xuất sắc: họ làm cho không khí êm ả rung động với tiếng nhạc. Chủ đề này cũng thường đượm màu sắc gợi tình nhẹ nhàng. Chơi bài, một đề tài được ưa chuộng khác, cũng được nhiều họa sĩ thể hiện với các bút pháp khác nhau. Một môn đệ người Pháp của Le Caravage đã thể hiện với sự tương phản rất ạnh giữa bóng và ánh sáng, sự quyết liệt bi thảm của canh bạc và sự căng thẳng của các con bạc. Ngược lại, Cézanne, từ lâu vốn bị chủ đề này ám ảnh, đã vẽ hai người dân quê bình thản như tượng đá; trong vai trò cấu trúc của một công trình xây dựng trong không gian, quả là những cảm xúc linh tinh của họ có tầm quan trọng khá nhỏ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!