Những nét thể hiện của tranh chủ đề Phong cảnh

“Nghệ thuật của người Hy lạp, người Ai Cập và các họa sĩ lớn mà ngày nay không còn nữa không phải là một nghệ thuật của quá khứ; ngày nay có lẽ nó còn sống động hơn bao giờ hết. Vì nghệ thuật là bất biến: chính ý tưởng của loài người tiến hóa, cũng như cách thể hiện của họ”.

Picasso.

Sườn núi Phú Sĩ dốc lên thoai thoải ở phía trái rồi đột ngột dựng đứng ở gần đỉnh. Nón ngả màu cam của núi lửa nổi hẳn so với chân núi lởm chởm cây cối và chỉ có đỉnh núi phủ tuyết nhẹ. Những lớp mây nõn như bông trôi lửng lơ ở chân trời từ trái qua phải trong bầu trời cao tăm thẳm. Lơ lửng trong không gian, nhan đề của bức tranh, Gió nam, trời đẹp gợi lên những hình ảnh buổi sáng mùa xuân, mặt trời mọc chói rạng sườn núi hay dư âm của cái năng lượng ghe gớm trong lòng đất đột ngột bắn tung nham thạch nóng bỏng ra ngoài.

Tranh The Great Wave off Kanagawa của Hokusai

Trong hình ảnh cô đọng cho cái cốt yếu của phong cảnh này không có dấu vết nào của con người; hình ảnh được ghi lại bằng mực màu trên một cái nền hết sức mỏng manh bằng thứ giấy trứ danh gần như trong suốt của Nhật được chế tạo từ sợi vỏ cây dâu tằm. Bức tranh khắc này được in lại cho giai cấp bình dân ở Edo (tức Tokyo), có từ những năm 1820, tác giả là Hokusai (1760-1849).

Tác phẩm của Hokusai gần như đồng thời với tác phẩm của hai họa sĩ trẻ hơn ông nhiều, hai người sẽ làm đảo lộn phương pháp vẽ tranh phong cảnh Tây phương; đó là Constable và Turner. Kỹ thuật của họa sĩ Nhật cũng đổi mới theo hướng trừu tượng hóa hình thể, đạt tới độ thuần khiết có lẽ làm cho hai họa sĩ người Anh phải bối rối. Bởi vì chỉ tới thế kỷ 20 thì tranh vẽ và tranh khắc Tây phương mới đạt tới độ đơn giản cực cao về đường nét và màu sắc được như vậy. Trong bức tranh khắc của Hokusai, sự cân bằng phi đối xứng được thực hiện bằng hình thể đảo ngược của núi và bầu trời, có sự chính xác tuyệt vời về hình thể, nhưng đồng thời động lực nội thân làm cho phong cảnh có sức động là do đường viền tinh tế, đám mây bập bềnh nhịp nhàng và sự điều hòa của phổ màu rất hạn chế. Bức tranh này nằm trong loạt tranh nổi tiếng Ba mươi sáu cảnh Phú Sĩ sơnthuộc về truyền thống thẩm mỹ rất phức tạp nhưng đồng thời vạch một con đường mới trong quan niệm về tranh phong cảnh.

Thời bấy giờ nước Nhật chưa mở cửa cho người Âu vào, nhưng Hokusai đã biết, qua tranh khắc, các nghệ thuật phương Tây mà ông lấy làm cảm hứng khiến đồng bào ông rất xúc động. Ông đã chọn điểm nhìn duy nhất và ở dưới thấp, hoàn toàn xa lạ với truyền thống hội họa Nhật Bản, khi lần đầu tiên ông quan tâm thật sự tới phong cảnh thuần túy. Cái nhìn của ông, vĩ đại tuyệt vời và trữ tình vì tính chất hiu quạnh, nhưng vẫn gắn bó sâu sắc với tâm hồn người Nhật, và tính chất đậm đà, mạnh mẽ trong cách nhìn của ông hiển nhiên bắt nguồn từ tính thiên nhiên của núi Phú Sĩ, hầu như là biểu tượng của sự thuần nhất quốc gia, và đối với họa sĩ đó là một ám ảnh, cũng như thôn quê Anh quốc đối với Constable là nơi giao cảm với thiên nhiên hay núi Saint Victoire là một ảo ảnh trong trí tưởng tượng của Cézanne vậy.

Nguồn gốc của phong cảnh với tính cách là đề tài chủ yếu của bức tranh có lẽ đã có từ đời Đường ở Trung Quốc; chủ đề này phát triển trong đời Tống (thế kỷ 10 và 11) và được thể hiện dưới nhiều hình thức: hình ảnh của một thế giới siêu thực bao phủ sương mù từ đó nổi lên những quả núi hư ảo và những dòng sông liên miên bất tuyệt, và cái bóng nhỏ bé của nhà thơ gần như không nhìn thấy được trong cái mênh mông của giấc mơ của chính ông ta.

Tình yêu thiên nhiên xuất hiện ở Tây phương trễ hơn. Khi thứ tình cảm này có vẻ tìm được chỗ đứng trong nghệ thuật thời Trung cổ thì phong cảnh vị cách điệu nhiều chỉ luôn luôn được sử dụng cho những mục đích trang trí hay tượng trưng. Trong bức Đức Mẹ Đồng trinh với Chúa Hài đồng rất đẹp của Giovani di Paolo chẳng hạn, sự đơn giản hóa cảnh quan đó có vẻ còn đi xa hơn bức khảo họa thực vật đáng chú ý nhan đề Một góc đồng cỏ của Durer nữa. Chỉ trong một khóm cỏ được xem xét tỉ mỉ cũng chứa đựng cả một phong cảnh. Tuy nhiên, những bức khảo họa như vậy của Durer gắn với tĩnh vật hơn lòng say mê không gian và những nét đẹp của đồng nội ngập trong ánh sáng, đặc trưng của tranh phong cảnh từ thế kỷ 17 tới thế kỷ 18. Các kỹ thuật, nhất là kỹ thuật phối cảnh, được các họa sĩ sử dụng để thể hiện lên khung vải nhận thức mới mẻ về thiên nhiên đó đã có tính chất quan trọng từ thời anh em Van Eyck rồi. Nhưng, cách nhìn trong suốt của họ mặc dầu đóng góp nhiều cho không khí chung của bố cục, chủ yếu là dùng để làm nổi bật các nhân vật. Chỉ vào thế kỷ 16, ở giao điểm giữa phương Bắc và phương Nam là Venise, và nhất là trong trí tưởng tượng khôn dò của Bellini, thì thiên nhiên mới trở thành cái ngang hàng vói con người trong nghệ thuật.

Với Bruegel, rõ ràng là phong cảnh đã lấn bước các nhân vật nhưng, nếu như họ đã cho phong cảnh tầm quan trọng như con người thì họ cũng hoàn toàn bị chìm ngập trong cái thế giới mênh mông mà những tình tiết bi hài của đời họ trở thành không hợp lý. Trong bức Người thợ săn trong tuyết, các hình người khom lưng lội bì bõm trong tuyết hay đang nô đùa trên mặt sông đóng băng là những biểu hiện của chính mùa đông; những hình thể in hình rõ nét trong bầu không khí trong suốt và cảnh thanh bình của phong cảnh ngược hẳn lại là đề tài thật sự của bức tranh. Sự ca tụng phong cảnh và địa vị hoàn toàn riêng biệt mà các họa sĩ tài ba Fkandre ở thế kỷ 17 nhìn nhận cho nó, phản ánh nền độc lập và sự thịnh vượng của một quốc gia mới thành lập. Tranh phong cảnh vẽ những cánh đồng rào kín trải dài mút mắt của họ dưới bầu trời mùa hạ hay nằm im lìm trong mùa đông gợi ý niềm tin thầm lặng vào sự đều đặn của mùa tiết vốn chi phối nền kinh tế nông nghiệp của xứ sở. Khác với Hokusai, trong một bức tranh như Phong cảnh đồng lúa, Ruisdael lưu luyến từng chi tiết nhỏ. Nhưng, dưới cái vỏ ám ảnh về chi tiết bề ngoài đó ẩn giấu một sự lựa chọn tỉ mỉ những yếu tố thích hợp để tạo ra sự thống nhất một cách thông minh bằng ánh sáng. Như vậy, bức tranh này cũng đạt tới tầm vóc cao như tranh của Hokusai.

Tranh Phong cảnh đồng lúa của Ruisdael

Sự khéo léo của một họa sĩ khi bố trí bức tranh phong cảnh cho chặt chẽ và có ý nghĩa thì phụ thuộc những quan hệ của con người với môi trường của nó. Phần lớn cảnh đồng quê trong tranh của họa sĩ Anh trong thế kỷ 18 không phải là thiên nhiên hoang dã và thù địch mà là thiên nhiên được ”thuần hóa” để phục vụ cho nhu cầu của con người, trong đó ta thấy giai cấp quý tộc nông thôn nghỉ ngơi hay dạo chơi trên một cánh đồng được cải tạo bằng công sức của con người, cũng êm ả và điều hòa như chính cuộc sống của họ vậy. Khi Gainsborough vẽ Ông bà Andrews trong khung cảnh đất đai rõ ràng là thịnh vượng của họ, bức tranh toát ra một cảm giác tin tưởng không lay chuyển vào cuộc đời.

Ở đây, ảnh hưởng mà Gainsborough đã chịu ảnh hưởng của tranh phong cảnh Hà Lan phối hợp với ảnh hưởng của những ảo tưởng về xứ Arcadie được các họa sĩ cổ điển Pháp ở thế kỷ 17 – trong đó có Poussin và Lorrain – biểu dương. Họ đã đưa thêm thi vị mới vào tranh phong cảnh. Những cảnh huyền thoại của ông, được đặt vào một cách đồng La Mã lý tưởng hóa, làm xuất hiện một khuynh hướng hợp nhất những yếu tố của bức tranh trong một thứ ánh sáng khuếch tán, công thức được nhiều người mô phỏng ông dùng lại mà không bao giờ nắm được kỹ thuật của ông. Ở thế kỷ 18, thị hiếu đương thời du lịch sang Ý đã sinh ra thứ tranh thực địa, tất yếu là hiện thực. Đó là nguồn gốc sự xuống dốc của tranh phong cảnh lý tưởng hóa.

Ở thế kỷ 19, sự tưởng tượng lãng mạn cố định trên những khía cạnh ghê rợn của thiên nhiên mà con người không chế ngự được. Turner còn đi tới chỗ leo lên cột buồm một chiếc tàu giữa con bão để quan sát tác động của nó rõ hơn, và ngắm nghía liên tục trong nhiều giờ vụ cháy tòa Nghị viện ở London; hình ảnh cuối cùng thể hiện trên mặt vải, nói cho đúng không còn là một phong cảnh nữa, mà là sự kết hợp ngắn ngủi của ba yếu tố, không khí, nước và lửa. Ở Turner, có lẽ hình ảnh đó cũng thể hiện ước muốn thuần hóa sức mạnh hung bạo và hoang dại của thiên nhiên, dù chỉ là trên mặt vải.

Còn Constable thì quan tâm tới những biến đổi của phong cảnh dưới tác động của ánh sáng luôn thay đổi. Người báo trước trực tiếp chủ nghĩa ấn tượng, ông biết dùng kết cấu của bức tranh để thể hiện những rung động của bầu không khí và khêu gợi hình ảnh lãng mạn của thế giới trong đó những dục vọng của con người gắn liền với vẻ đạp của thiên nhiên. Họa sĩ hiện thực Courbet thì cũng hoàn toàn có thể có tính cách trữ tình nhất là trong bức tranh phong cảnh biển, lời ca ngợi hùng biện mà vô cùng giản dị cái không gian vô biên, bất tử được tượng trưng bằng đại dương và chân trời.

Hình ảnh hiện đại về không gian đã biến đổi tận căn bản, vừa do sự phát triển của ngành hàng không lẫn sự xâm nhập của kỹ thuật vào phong cảnh. Hàng không thì hủy bỏ khoảng cách, kỹ thuật thì tạo ra sự kề cận của hình thể. Sự trừu tượng hóa hình thể trong tranh phong cảnh biển của Mondrian và một cách tầm thường hơn, hình ảnh của bờ biển miền đông nước Mỹ mà Hopper đưa ra, chứng tỏ như vậy: hình ảnh ý chừng là của một thực tại khách quan nhưng tập trung trong một phong cảnh cả đường sắt, đường bộ và hải đăng, và giống như vai trò của bưu thiếp!

Viết một bình luận

error: Content is protected !!