Tôi biết gì về gốc tích hát cải lương

Bài viết trích trong sách ”50 năm Cải lương” của Vương Hồng Sển.


Tôi đã cố truy nguyên gốc tích điệu hát cải lương nhưng rốt cuộc tôi xin chịu thua, việc làm quá sức, duy ráng đem hết ra đây những tài liệu thâu thập được để quí vị mặc tình muốn đặt năm sanh của cải lương vào năm nào tùy ý mỗi người, chớ rei6ng tôi, khi cảl lương ra đời, tôi còn học trường tỉnh Sóc Trăng, chưa đủ sức hiểu biết và phê bình. Lúc ấy (lối 1916-1920) việc đi đó đi đây trong các tỉnh miền Nam chỉ đi bằng tàu thủy và tin tức từ tỉnh này qua tỉnh nọ không mau lẹ, dễ dàng như hiện nay. Còn như bây giờ? Vả chăng thời cuộc hiện nay chưa thuận tiện đi điều tra tại chỗ. Nếu chờ hết chiến tranh sẽ đi từ nơi tra cứu lại e quá trễ.

Ở đây tôi không lên mặt khảo cứu và chỉ xin tom góp các tài liệu tôi gìn giữ được, trình bày ra đây cho các học giả chuyên viên sau này bổ túc những chỗ tôi còn thiếu sót, họa may sẽ tìm ra đúng ngày sanh của hát cải lương. Duy khi đi nghe một học giả diễn thuyết tại trường Quốc gia Âm nhạc ngày 18-12-1966, gần như quả quyết cải lương sanh vào 50 năm trước, tức năm 1916, để có dịp đặt lễ kỷ niệm 50 năm cải lương vào năm 1966 là vừa, tôi thấy tức. Cho đến nay tôi không dám cãi với ai cả – mà dẫu cãi cũng không lại, một khi bộ Thông tin năm ấy đã làm lễ kỷ niệm 50 năm cải lương rồi. Tôi không qui tựu công cán cho ai đã đẻ ra điệu cải lương. Nay hát cải lương đang trong thời kỳ đắc dụng và chuyển biến mỗi ngày như mây nổi gió bay … Ai ai cũng mê thích, ai ai cũng vỗ ngực khoe công rằng mình nói trước. Cãi làm chi cho mếch lòng.

Căn cứ theo sách vở thâu thập và những lời của người lớn hơn tôi nói lại, và nếu tôi không lầm thì buổi sơ khởi của cải lương, là do sự ngẫu nhiên, sự tình cờ, là do lòng ái quốc mà nên. Lòng ái quốc của một số người bị mất nước, cố tìm lối trồi đầu lên để cho tinh thần quốc gia còn tồn tại. Người miền Nam có cái hay là khi biết dùng bạo lực chỉ hại thân vào tù, thì họ không dùng bạo lực. Họ cố đè nén lòng thương nước, chôn giấu trong một bề ngoài lêu lổng chơi bời …

Thuở ấy ta phải biết, bọn lính kín chó săn cũng không vừa, vẫn rình mò chờ dịp lập công cho Tây … Những người có đầu óc thì kẻ bị lưu đày bắt bớ, còn sót lại người dư dả, của có thừa, lại giả kế ăn chơi cờ bạc để đánh lạc đường quân thám tử. Cũng may thay đờn ca bài bạc thét cũng chán, do đó họ tìm được một mục đích cho cuộc đời. Và cũng do đó, trong giới đờn ca, thầy nghề của mình bớt bị kinh bạc lại thêm được trọng vọng là khác, nên thường tụ họp trong phòng các nhà khá giả, hoặc chỗ đô hội như tiệm hớt tóc, tiệm hay lò thợ bạc, vừa trau dồi nghệ thuật vừa tập ca cho vui, bắt chước người Pháp gọi đó là ”nhạc thính phòng”, dịch chữ ”musiaque de chambre” của Tây chớ ta làm gì có phòng đặc biệt để chơi đàn?

Trước đó nữa, tại các tỉnh Nam kỳ không có dàn đờn cổ nhạc Việt, chỉ có dàn nhạc lễ (tỷ dụ ở Bạc Liêu có Nhạc Khị), thường dùng vào các cuộc đám ma nhà héo. Mỗi khi có đám tang, vào lúc canh khuya, sau buổi tế buổi tụng kinh, thường các thầy nhạc và thầy chùa bày ra đòi chủ nhà nấu cháo trắng để thức sáng đêm, và nhơn fịp ấy, họ cũng hòa đờn, tập dượt ca cho đúng nhịp, để đánh con buồn ngủ. Sau thành thói tục, mỗi dịp quan hôn tang tế, thậm chí lễ mừng tân quan, tân gia, khai bằng, khánh hạ, đám giỗ, đám cưới đều có mời họ luôn cho rôm đám. Người Việt tánh dễ dãi không hay kiêng cữ, sau buổi tụng kinh khóc kể thì hòa đờn mà đờn bản vui cũng bất chấp, đổ thừa ”sự vong như sự tồn”, đớn cho người nằm đó nghe chơi như thuở sanh tiền!

Trước năm 1915, chưa có tỉnh nào dám đưa dàn đờn ca lên diễn trên sân khấu công khai. Tỉnh khởi đầu việc nầy có lẽ là tỉnh Mỹ Tho, vì danh tiếng không thua Sài Gòn. Và dàn đờn tài tử ra đờn cho công chúng đi xem hát bóng thưởng thức chờ quây phim, y như giáo đầu tuồng bên hát bội là dàn đờn của ông Tư triều ở Mỹ Tho. Nghiên cứu đến đây cũng đủ ngã lòng, vì đố ai dám chắc ông Triều thứ mấy?

Trong quyển luận án Pháp văn ”La musique vietnamienne traditionnelle” soạn rất công phu, tác giả là Trần Văn Khê viết rằng: ông nội mình là Trần Quang Diệm (1853-1925) (tr.98); cô ruột là Trần Ngọc Viện (trang 109); bà nầy thiện nghệ đàn tranh; 10 tuổi đã đờn giỏi rồi và cha mình là Trần Văn Chiều, tự Bảy Triều (tr.109).

Trái lại, theo ông Trần Văn Khải, trong tập khảo cứu in ronéo ”Nghệ thuật sân khấu Việt Nam” đề Thanh Trung Sài Gòn xuất bản nhưng không ghi năm, tr.58, thì ở Mỹ Tho lối năm 1910 có dàn cổ nhạc của Tư triều là Nguyễn Tống Triều người xứ Cái Thia (tr.19).

Nhờ thầy cũ tôi là ông Trần Văn Chiêu, trước làm trên văn phòng và gác lớp tại Chasseloup, thì:

1 – Tư Triều là cha của cô Hai Nhiễu. Ông thiện nghệ cây kìm, nhưng thiên tài lỗi lạc thì kém Bảy Triều, trùng tên và cũng ở Mỹ Tho như nhau. Cô Hai Nhiễu, từng ca thính phòng tại nhà hàng Cửu Long Giang và đã làm say đắm khách ăn chơi thuở ấy bằng bài ”Giang Nam” mở đầu bằng câu: ”đêm đêm xuân là đêm đêm xuân”, nguyên của ông Phạm Đăng Đàng đặt ra.

2 – Bảy Triều, năm 1912 vô học trường Chasseloup, nhưng chỉ học hai năm và thôi học kỳ bãi trường năm 1913. Lúc vào trường, Triều đã được ông Diệm dạy đờn kìm rồi nhưng chưa giỏi. Sau nhờ ông Đội Hổ làm nghề gác cửa trường, ông có chơi đờn, nên Triều thường lên nhà concierge đờn chơi và nhờ năng luyện tập thêm sẵn thiên tư trời phú nên Triều đờn càng ngày càng phát. Và dây Tố Lan, theo ông Chiêu, thì Triều tìm ra tại trường vậy. Ông Diệm có dạy ông Chiêu đờn bản ”bài hạ”. Còn Cô Ba Viện, co dạy đờn ở trường áo tím nữ học Gia Long, do ông Diệp Văn Cương đem vô (lối 1915-1916). Sau Cô bị tình nghi làm quốc sự cùng với em rể là giáo sư Bá, nên thôi dạy và trường áo tím cũng dẹp môn dạy đờn luôn. Việc Tư Triều đờn rạp Thầy Hộ năm 1910 ở Mỹ Tho có thể đúng. (Thuật theo lời ông Trần Văn Chiêu và nghe ngày 13-5-1968 tại phòng phát hưu bổng Ngân khố Sài Gòn).

Rạp hát bóng thầy Hộ ở sau chợ Mỹ Tho. Nguyên đời ấy có lão Léopold lập ra rạp Casino ở Sài Gòn (rạp ấy ngày nay vẫn còn ở vị trí cũ là rạp Casino đường Pasteur). Léopold bày hát bóng thâu tiền, và chính anh ta ra làm ảo thuật vài lớp trước khi chớp bóng. Thầy Hộ bắt chước theo, mời dàn đờn Tư Triều đến đờn và ca vài bản trước tấm màn ảnh trên sạp cao mỗi tối thứ tư và thứ bảy. Đây là lối đờn ca trước công chúng và trên sân khấu. Đồng thời trên Sài Gòn, nhà hàng Cửu Long Giang trước chợ Mới, đường Lê Thánh Tôn ngày nay, mỗi chiều thứ tư và thứ bảy cũng có đờn ca cổ nhạc cho quan khách nghe và uống khai vị. Nhưng như vậy cải lương cũng còn phôi thai chớ chưa sanh. Then chốt câu chuyện, theo tôi, gồm và do bốn cơ hội:

1 – Hát bội hoài, hát bội mãi, cũng chán tai thét hóa nhàm;

2 – Năm 1918, giặc trời Tây, gọi Đệ Nhứt Thế Chiến (1914-1918), đã về khuya, bỗng Tây thắng trận ngang, cho nên mừng quá, toàn quyền Albert Sarraut nới tay nhắm mắt cho phép bọn trí thức bày ra một cuộc hát trước lấy tiền dâng mẫu quốc hàn vết thương chiến tranh, sau nhứt cử lưỡng tiện, bọn nầy bày chỉnh đốn biến hát bội ra một nghệ thuật ”canh tân, cải lương” khác.

3 – Ban đầu, hát cà rỡn chơi, pha tiếng Tây vào tiếng ta, giễu đời, kiêu ngạo: Vân Tiên đui, Bùi Kiệm dê, kế đó ca bài Hành Vân tâm sự của Từ Hải: ”mật yêng hùng, giống Triệu Thường Sơn”, xen giọng ái quốc vào điển cũ, sau đó càng biến hóa nữa, biến hóa mãi, dè đâu Cải lương nảy sanh một cách bất nhờ, và bắt từ năm nào, nay cũng không một ai dám chắc.

4 – Cơ hội hiếm có và một bất ngờ khác rất may cho tiền đồ và văn hóa nước nhà là người miền Nam lớp đó đã có sáng trí, nhơn dịp toàn quyền Albert Sarraut nới tay cho phép lập hội lập gánh hát, vì năm 1918, bên Pháp giặc đã dứt, ông Sarraut muốn để cho dân bản xứ lãng quên việc nước và không làm quốc sự bèn cho dân tha hồ hát xướng, thừa dịp đó dân trong Nam bèn trau dồi nghề đờn ca và đưa tài tử salon lên sân khấu …

Viết một bình luận

error: Content is protected !!