Người bổn quốc ta mảng có tánh nghi nan đố kỵ nhau, nên không đồng tâm hiệp lực mà kinh dinh cuộc thương mãi chi với người ngoại quốc quốc đặng. Vì vậy các cuộc đại thương trong xứ ta đều nhượng cho người Trung Huê và Ấn Độ thâu tóm lợi quyền, mà trường hưởng phú quý, lạc nghiệp an cư, như một phần hương hỏa kia của tổ phụ người lưu lai cho đó vậy.
Còn người Annam là người bản sở tổ quán xứ nầy mà không đặng hưởng đúng sự giàu sang thạnh lợi, cứ rút vô chỗ thảo dã điền viên mà ra sức cày sâu cuốc bẩm, buôn vụng bán vằn, người nào có phước thì đặng ấm dưỡng thê nhi, kẻ nào thất thời lại phải bần hàn cực khổ, thiệt là thua súc người ngoại quốc lắm.
Vậy ngày nay chúng ta lẽ nào còn tọa thị điềm nhiên, cam tâm mà nhượng các chỗ địa lợi thương trường cho người sao? Không chút nào đau lòng xót dạ hết sao? Không muốn duy tân tấn bộ trong cuộc thương cổ chiến trường mà tranh đua thắng bại với người sao? Hay là mảng còn hiềm nghi ganh ghét nhau đó mà khốn khổ.
Có câu rằng: Tâm tắc tự bại, nhiên hậu nhơn bại chi. Ký tắc tự võ nhiên hậu nhơn võ chi. (Bởi vì cam tâm chịu thua sút người, nên người mới thắng mình và mình ganh ghét khi dể mình với nhau, nên người mới khi dể mình đặng).
Thường nghe nhiều người nói rằng: xứ Nam kỳ ta giàu có lớn tiền của nhiều.
Hỡi ôi! Nghe tiếng ấy mà rơi lụy thảm sầu cho người đồng ban mình, bầm gan tiếm ruột cho xứ sở mình; thật Nam kỳ ta là một xứ nhơn dân trù mật, điền địa phì nhiêu. Người ta đông ruộng đất nhiều, giáu có lớn, nhưng giàu có là của người ngoại quốc đến vắt máu thịt ta mà gầy dựng cơ đồ tóm thâu quyền lợi của chúng ta mà an hưởng nhàn lạc.
Vậy chúng ta chống mắt lên ngó lại đó mà coi như Chợ Lớn là một xứ sở trong nước mình mà xem dường một tỉnh thành Quảng Đông bên Trung Quốc đem qua đồ vậy, lúc nhúc như kiến kia vỡ ổ, xô xào như nước nọ bẻ bờ, các cuộc kỵ nghệ công thương cũng người thanh khách kinh dinh mà chiếm đạt quyền lợi cả thảy.
Còn người Bổn quốc ta thì nương theo lối đồng khô cỏ cháy mà ở, ít thấy ai dám chường ra chỗ phiền ba đại địa, chốn thương cổ chiến trường mà tranh đua cuộc đại thương với người vậy thì người Chi-na (là người Trung Quốc), người Ấn Độ là kẻ tới tá túc thê thân, ở đậu trong xứ sở mình, mà lại chiếm hưởng các chỗ địa lợi của a ăn trên ngồi trước chúng ta, đoạt thủ cuộc thương mãi ta giàu sang sung sướng hơn ta.
Chẳng những là chỗ Chợ Lớn mà chúng ta nhượng cho người thua sút người, mà trọn 21 hàng tỉnh trong Nam kỳ, từ đầu non đến gốc biển, mấy chỗ địa đầu địa lợi, thị tứ thì thiềng, thì đều người Chi-na Ấn Độ chiếm cứ.
Ấy có phải là người bổn quốc ta bại trong cuộc thương cổ chiến trường không? Và người Ngoại quốc thắng ta không? Vậy chúng ta chẳng những là bại trên bộ mà thôi mà dưới thủy cũng đều bại hết.
Như các đường thủy đạo giang hồ trong Nam kỳ, thì các thương thuyền của người khách trong miệt Tiền giang Hậu giang. Mỗi con nước buồm bay trắng lốt, cột dựng đầy sông ấy là các ghe chài đi vận mãi lúa gạo trong Lục tỉnh. Còn các cuộc hỏa luân thuyền đưa hành khách trong Nam kỳ thì người Langsa và người Trung Quốc chiếm cứ các đường thủy đạo giang hồ mà thủ lợi. Ấy có phải là người bổn quốc ta bại dưới thủy từ Nam chí Bắc; từ rạch nhỏ đến ngoài trường giang không? Còn cuộc thủy lợi tôm cá dưới các đàng sông thì người ngoại quốc đã chiếm cứ mấy chỗ lớn trong xứ ta hết phân nửa.
Chí như chư cuộn kỵ nghệ bá công thì người Trung Quốc đã thắng ta thập bội, vậy thì mấy chỗ phiền ba đại địa, thị tứ phụ đầu người bổn quốc mình đạ bại mà nhượng lại cho người Trung Quốc và Ấn Độ rồi.
Nay chúng ta còn lại mấy khoảnh điền viên là chỗ sở cậy của chúng ta để mà thê thân độ nhựt bảo dưỡng thê nhi. Ví như ngày kia người Trung Huê và Ấn Độ tràn qua xứ ta đông rồi, chiếm đoạt đến ruộng đất điền viên của tổ phụ ta lưu lai thì chẳng hay người bổn quốc ta liệu thế nào mà chống cự với đó? Thế thì chúng ta chẳng khỏi bại nữa chăng?
Hay là nói: lưng ta lớn, sức ta mạnh, cày mình hay cuốc mình giỏi hơn là máy móc cơ xảo chăng? Nếu chúng ta bại rồi thì ắt bao nhiêu điền phì địa quảng trong xứ ta đều về tay người Trung Quốc cày, gia tài sự nghiệp ta về tay người Ấn Độ lấy, thì khi ấy chẳng hay cái mạng vận của mấy triệu đồng bào ta ra thể nào? Và đường tiền trình tấn bộ của mấy triệu sanh linh ta ở đâu? Hay là số mạng mấy triệu sanh linh ta ở đâu? Hay là số mạng của mấy triệu đồng bào ta sanh ra để mà nương dựa cửa người, mà làm tôi đòi bè bạn cho chúng chăng.
Đồng bào ôi! Đường tiền trình của chúng ta coi ra gian nan nguy hiểm lắm, số mạng người bổn quốc ta nay chẳng khác chi ghe nọ giữa vời, đã bị nước ngược mà lại gặp lúc cuồng phong bão tối, thiên tùng lãng đã vạn trận phong xuy không biết chìm lúc nào!
Lại còn thêm cá mập cá xà hả miệng trương vi, lội theo ghe ta, kình ngạc kia lom lom mắt ngó ta, thiệt là một thời thế nguy hiểm lắm.
Ấy là:
Ốc lậu cánh phùng liêng dạ võ;
Thuyền trì hựu ngộ đã đầu phong.
Thảm thay!
Nước ngược chống lên thuyền một chiếc;
Nhà xiêu mưa dập gió năm canh.
Nhưng coi lại người trong thuyền, tọa thị điềm nhiên, kẻ còn mơ màng bất tỉnh, kẻ thì đốt giấy tiền vàng bạc. Người thì niệm Phật cúng thần, kẻ thì làm chay hát bội, người thì tửu điếm trà đình, người thì bạc cờ hút xách.
Chó chi những người trong thuyền ấy thấy cuộc tiền trình nguy hiểm như vậy, mà đồng tâm hiệp lực, ra tay gay chèo, sửa bánh, quạt máy, dương buồm, dầu thiên lao cũng bất nại, vạn khổ cũng nan từ, đặng lướt sóng tuông giông mà chèo tấn tới cho đến bờ, rồi mới thung dung nhàn lạc đặng.
Ôi! Cuộc thương cổ chiến trường nầy chẳng phải ngoại quốc dùng gươm đao súng ống chi mà thắng ta, cũng chẳng dụng địa lợi, thủy lôi chi mà làm hại ta. Ấy ta người Trung Quốc dụng cuộc thương mãi kỵ nghệ làm binh gia súng ống mà đánh mình; người Ấn Độ dụng bạc tiền làm gươm đao mà xẻ thịt lột da mình mà đoạt nhà cửa ruộng đất.
Ôi! Nội Nam kỳ ta chẳng đầy mười muôn người thanh khách, chẳng đặng một ngàn người Chà Và. Còn chúng ta hơn 3 triệu sanh linh trong Nam kỳ, diện mạo coi phải cách, còn râu mày xem lại cũng khá khen, nhưng mà còn nhứt lại đồ địa như vậy thay, huống chi ngày kia chúng nó đông rồi, thì anh em ta làm sao mà tranh đua thắng bại nơi chỗ thương cổ chiến trường nầy cho đặng.
Vậy dụng súng ống gươm giáo mà đánh mình, thì mình còn sợ mà xa lánh đặng. Chí như dụng cuộc thương mãi kỵ nghệ mà đánh mình, thiệt mới gọi là một phép thần cơ diệu toán cho. Lấy cuộc thương mà đánh mình, mình rục thịt rã xương mà chẳng biết đau? Tàn gia bại sản mà không biết giận, nghèo khổ đói khát mà chẳng biết hờn, thua sút nhục nhơ mà không biết hổ.
Nay chúng ta muốn tranh đua thắng bại với người Trung Quốc thì kíp dụng thương mãi mà cự địch với chúng nó, còn muốn tranh đua với người Ấn Độ thì kíp lập cuộc ngân hành (nhà băng để cho vay). Nay ông Trần Chánh Chiếu là chủ bút nhà Nông cổ Mín đàm đã mở cuộc rất cần kíp hữu ích cho người đồng bang ta. Vậy chúng ta cũng nên đồng tâm hiệp lực với người mà lập cuộc duy tân tấn bộ, mỗi người giúp vô một ít thí quần lưu năng biến hải, chúng chí khả thành thành, như lời tục ngữ Tây rằng: L’union fait la force