Cái hại lớn lao về tiểu thuyết ngôn tình

Bài viết được đăng trên tuần báo Phụ Nữ Tân Văn – Ngày 23 tháng 5 năm 1929

Bài viết được đăng từ những năm đầu thế kỷ 20 nên cách dùng từ chính tả cửa chữ Quốc ngữ có khác so với ngày nay. Tôi mạn phép chỉnh lại theo hiện đại. Quý độc giả có thể click vào hình để phóng lớn và coi bản gốc khi cần so sánh.


Cái hại lớn lao về tiểu thuyết ngôn tình

Quyền sách, tờ báo, câu văn là một thứ lợi khí để truyền bá tư tưởng. Lợi khí ấy mạnh lắm, song khốn có một nỗi: là truyền bá được điều hay, lại vừa truyền bá được điều dở; mà có khi truyền bá điều dở mà lại mạnh hơn biết chừng nào!

Ta thử vào các hàng sách mà xem, sách tốt có mấy, mà sách xấu thì nhiều là đường nào? Sách xấu là các thứ truyện tình, các thứ sách mô tả cái khoái lạc nam nữ. Tác giả những thứ sách ấy là những kẻ vô luân lý, vô đạo đức, coi cuộc đời là cái trò chơi, xem loài người chẳng khác loài vật. Miễn là sách bán chạy, tiền thâu nhiều, còn dân với nước, người cùng giống, có quan hệ gì tới họ mà họ lo?

Đời nay, tội ác ngày một thấy lạ thêm, nhiều thêm, chuyện dâm hôn càng thấy tăng gia. Xem báo chương không mấy ngày là không có những chuyện rất quái gở. Sự tình mà đến như thế, là bởi hai cái nguyên nhân: một là hát bóng, hai là sách vở và tiểu thuyết.

Trẻ con xem hát bóng thấy những cảnh trai anh hùng gái thuyền quyên và những thói Văn Doan Chú Lía, thì cái tánh xấu sẵn có ở trong lòng bèn phát siển ra; tự nhiên muốn bắt chước làm; vì coi tuồng như làm thế là vui lắm. Ta phải biết con người sẵn có cái mầm tốt ở trong lòng, mà lại cũng sẵn cái chồi xấu nữa. Mầm tốt khó làm cho nẩy nở mà chồi xấu như thứ cỏ vô ích, động có hơi nước là lên ngay.

Hát bóng thì cảm đến mắt còn tiểu thuyết thì kích thích đến thần trí. Tôi biết có một người con gái ngày đêm ôm quyển truyện tình trong lòng, sống ở trong cảnh mơ mộng sắm các vai chủ trong truyện; cho đến mắt đừ ra, người (bị mất hai chữ), thành phải bịnh về thân thể và tinh thần. Cô gái mơ mơ trong cuộc đời tiểu thuyết, cón thiết chi là nhân sự ở đời! Câu văn đằm thắm như món sương để vun tưới cái chồi xấu ở trong lòng; cảnh trên bộc trong dâu tả khéo quá, rồi nó hóa ra hay! Có lẽ cô cũng tự nghĩ: “Đời là cái gì, chẳng thấy cha mẹ ta bảo ta thế nào cả! Chỉ thấy người lớn đối với trẻ nhỏ như có cái bí mật gì, họ giữ một mình họ biết! Có lẽ đời là như trong truyện đó chăng?”

Thế là thiếu nữ ta đã bước vào đường tội lỗi. Lầm khốn lầm nạn, lầm mà không biết là lầm, cũng tại cái người viết sách kia, đã phá trí não của trẻ thơ!

Rồi đó thì ngày đêm thơ thẩn; những lúc một mình một bóng là sống với một cái cảnh nào, hoặc thật hoặc hư! Có khi mở mắt rõ ràng mà mê ở trong cái tình mộng có khi nằm ngủ mà chiêm bao ở dưới cây dâu. Thế là đổi (mất hai chữ) mà da mặt cũng đổi, tinh thần cũng đổi.

(Mất ba chữ) Phúc Âm có câu nầy sâu xa lắm: “kẻ nào có một người đàn bà mà có ý thèm thuồng thì trong lòng phạm tội tà dâm rồi”. Suy rộng hơn nữa, thì (mất mấy chữ) nầy đã có tội rồi vậy!

(Mất mấy chữ) gặp dịp một tên thiếu niên nào ở trong …(mất mấy chữ) đàng vô sĩ, thì cô tự nhiên phải hư ngay. Ôi, cô ấy giả sử mà không đọc truyện tình thì đâu đến nông nỗi ấy!

Tôi lập luận đây là mong cho ba hạng người sau nầy chủ ý về vấn đề sách, báo, truyện.

  1. Kẻ làm cha mẹ phải cấm nhặt báo, sách, truyện thuộc về hạng dâm thơ, không cho vào nhà, không cho ấy là món thuốc độc của trẻ con và đàn bà.
  2. Đàn bà, con trẻ chớ nên động tới các thứ sách, bản truyện ấy. Các ngài thử nghĩ; gặp cản dâm bôn mà đứng lại coi thì xấu hổ thể nào? Vậy thì lẽ nào ta lại coi các thứ sách vẽ những cảnh ấy?
  3. Các nhà làm sách còn biết liêm sĩ, xin từ bỏ cái nghề thuốc đàn bà, con trẻ và những người non dạ.

Tôi lại còn một lời ước: Là ước sao Chán phủ cấm các phim chớp bóng và sách vở có hại cho phong hóa và đạo đức.

C. T. K

Viết một bình luận

error: Content is protected !!