Đời ngắn đừng ngủ dài: Lời nhắc nhở từ một người từng trải

Tựa sách: Đời ngắn đừng ngủ dài

Tác giả: Robin Sharma

Ngôn ngữ gốc: Tiếng Anh

Lược dịch và phát hành: Nhà xuất bản Trẻ

Năm 2015 tôi gặp nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống thế nên tôi bắt đầu tuyệt vọng và nhìn mọi thứ xung quanh rất bi quan. Tôi bi quan với tình cảm của những người xung quanh và quan trọng nhất là bi quan về chính khả năng của mình. Từ nhỏ tôi vẫn tự tin vào năng lực học tập và làm việc của mình, Trong một khoảng ngắn, tôi tự nhốt mình trong những suy nghĩ tiêu cực và tránh giao tiếp với mọi người. Và đương nhiên là tôi tự vấn lại tất cả những việc đã xảy ra, tự trách rất nhiều và luẩn quẩn tìm nguyên nhân thất bại của mình.

Lúc đó, tôi đã nghỉ việc và có nhiều thời gian rảnh rỗi và rồi như thói quen, tôi tới thư viện Tổng Hợp Sài Gòn vừa đọc sách vừa có thể giữ mình tách xa mọi người. Tôi không có chủ đích nào khi tìm sách nên nhìn ngó mông lung và thấy tựa đề cuốn sách Đời ngắn đừng ngủ dài trên  màn hình giới thiệu của thư viện. Tựa đề cuốn sách lập tức thu hút được tôi, tôi thoáng nghĩ hình như mình đang trong một giấc ngủ mê man giữa chừng cuộc đời, mất phương hướng, nhiều mộng mị và đôi khi không muốn thức dậy.

Tôi không để ý lắm đến tác giả và phần giới thiệu cuốn sách (dầu nó không dài lắm) mà lật ngay vào một trang bên trong. Đó là bài viết về tựa đề là Một ngày mới. Nội dung bài viết này không mới lắm nhưng nó như nhắc cho tôi biết mình đang có thời gian như bao nhiêu người khác và mình đang lãng phí nó (không như những người khác). Thế là tôi lật lại mục lục của cuốn sách và chọn những tựa đề mà mình thấy ưa thích.

Trong một buổi sáng ở thư viện tĩnh lặng và thoáng đãng, tôi đã đọc hết các nội dung đã chọn và cảm thấy suy nghĩ của mình thay đổi, không phải là ‘lật sang trang mới” của cuộc đời mà các bài viết ngắn trong sách là lời nhắc nhở tôi về tình huống mình đang trải qua. Không phải chỉ có mình mới gặp phải mà nhiều người khác đã và sẽ trải qua trong đời.

Tôi nghĩ rằng tác giả Robin Sharma không trải qua hết những tình huống mà ông đề cập tới trong các bài viết nhưng ông đã quan sát, suy nghĩ và đưa ra những lời nhắc nhở tới người đọc. Với chừng 100 bài viết ngắn, tác giả đã thực sự bao quát được phần lớn những trúc trắc hay tình huống mà con người gặp phải. Bạn sẽ đọc được lời nhắc rằng “Các ý tưởng đều vô giá trị” hoặc “Chấp nhận là khôn ngoan”.

Đôi khi, nội dung các bài viết có vẻ xung đột và mẫu thuẫn lẫn nhau khiến chúng ta hơi bâng khuâng rồi nghĩ rằng chính tác giả cũng chưa ‘giải quyết xong vấn đề của mình” nhưng rồi tôi lại cảm thấy nên như vậy. Cuốn sách này không phải là chân lý hay những lời răn dạy từ một bực thánh nhân. Tác giả chỉ chia sẻ góc nhìn của mình và chúng ta, những người đọc, sẽ tìm thấy mình trong đó – lúc thất bại hay thành công.

Tôi đã mua quyển sách này và giữ nó ở gần tầm tay của mình để đọc mỗi khi thấy bức bối. Cuốn sách giúp tôi tĩnh tâm rồi tìm cách giải quyết rắc rối của mình với tâm thế điềm tĩnh hơn nhiều.

Cảm ơn Robin Sharma.

Tác giả: Xuân Huỳnh

Viết một bình luận

error: Content is protected !!